Trải nghiệm quý giá tại châu Phi
Nguyễn Hải Duy (29 tuổi) là Sĩ quan thu thập thông tin tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp Quốc (LHQ) ở Cộng hòa Trung Phi. Anh là một chiến sĩ mũ nồi xanh ở Trung Phi đã gần 1 năm.
Ngay khi còn là học viên ngồi trên ghế giảng đường, Duy đã vô cùng ngưỡng mộ các đồng chí, đàn anh đi trước tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp Quốc tại các quốc gia châu Phi. Bản thân Duy luôn hi vọng có ngày sẽ được gia nhập lực lượng mũ nồi xanh ấy.
"Cơ hội đến với mình vào năm 2022 khi tham gia khóa huấn luyện Sĩ quan tham mưu LHQ được tổ chức tại Cục GGHB Việt Nam. Thời gian 3 tuần huấn luyện đã giúp mình có cái nhìn tổng quan và rõ ràng hơn về sứ mệnh GGHB LHQ và nhiệm vụ của các sĩ quan nói chung trong môi trường làm việc quốc tế" Hải Duy chia sẻ.
"Điều đó thôi thúc mình đăng ký tham gia chương trình tuyển chọn bằng nhiều tiêu chí như sức khỏe, ngoại ngữ và trình độ chuyên môn kĩ thuật. Mình đã được lựa chọn để huấn luyện trước khi chính thức tham gia vào lực lượng GGHB. Sau 1 năm học tập nghiên cứu tại Cục GGHB Việt Nam, mình nhận quyết định chính thức được tham gia vào lực lượng GGHB Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi".
Trong suy nghĩ của Hải Duy cuộc sống của người dân ở châu Phi rất vất vả. Tuy nhiên, thực tế khi đặt chân đến phái bộ, bản thân anh càng cảm thấy ngỡ ngàng hơn.
Anh tâm sự: "Ở đây cuộc sống khó khăn, người dân thiếu thốn hơn rất nhiều so với những gì mình mường tượng ban đầu".
"Trong những chuyến thu thập thông tin với các quan sát viên quân sự, mình tiếp xúc nhiều với người dân địa phương để hiểu hơn cuộc sống của họ. Đối với trẻ em nơi đây, việc có một bữa ăn no hằng ngày cũng là điều rất xa xỉ. Cùng với đó là việc thường xuyên xảy đến xung đột vũ trang, cuộc sống không hề yên ổn. Nhưng những điều đó càng làm mình quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ để góp một chút nào đó cho quá trình xây dựng lại hòa bình, ổn định tại đất nước này".
Công việc của Hải Duy là tổng hợp, thu thập tin tức từ các đơn vị và các tổ chức khác của Liên hợp Quốc trong địa bàn đóng quân. Bởi thế so với đồng nghiệp, anh không có nhiều cơ hội công tác ngoài căn cứ. Tuy vậy, những chuyến ra ngoài công tác cũng giúp cho anh có những trải nghiệm vô cùng khó quên.
"Có lần mình tháp tùng Chỉ huy trưởng của Phân khu thăm và làm việc tại một đơn vị trên địa bàn. Dù khoảng cách hơn 100km nhưng chuyến hành quân cơ giới xuất phát lúc 7 giờ sáng bị kéo dài hơn so với dự kiến do đường sá không thuận lợi", Hải Duy nhớ lại.
"Lúc khoảng 19 giờ, trời đã tối mịt mù, bất ngờ từ bụi rậm hai bên đường, khoảng 15 tay súng lao ra chặn xe. Một số người lên đạn hăm dọa, chĩa thẳng súng vào đoàn xe, mọi thứ trở nên vô cùng căng thẳng".
"Sau một giây ngỡ ngàng, mình và đồng nghiệp đã xuống ngay lập tức rồi giải thích tình huống với họ. Lúc đó cũng có nhiều lo lắng căng thẳng vì mọi chuyện đến quá bất ngờ. Hóa ra, các tay súng này thuộc một đơn vị của quân đội quốc gia. Sau khi hóa giải hiểu lầm, đoàn xe lại tiếp tục chặng đường tiếp theo. Thật sự sau khi đến nơi thì tất cả đều thở phào nhẹ nhõm vì đã "cập bến" an toàn".
Trải nghiệm quý giá và cách lan tỏa văn hóa Việt
Đến châu Phi, không chỉ chú tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn, Hải Duy cũng đạt được những thành tựu nho nhỏ. Anh tự học tiếng Pháp và sau 1 năm tại châu Phi, trình độ tiếng Pháp của Duy trở nên "đáng nể" hơn rất nhiều.
"Với mình, tiếng Pháp đúng là một sự tích cóp dần theo từng ngày. Mình tự học mỗi ngày và khi sang Cộng hòa Trung Phi thì đã ứng dụng nó nhiều vào thực tế. Bây giờ, mình hoàn toàn có thể tự tin đi chợ mua sắm, nói chuyện xã giao với đồng nghiệp và đọc hiểu báo cáo bằng Pháp ngữ do đồng nghiệp gửi về".
"Khả năng tiếng Anh của bản thân cũng được nâng cao do phải liên tục trao đổi với đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác nhau. Bởi vậy phải nói rằng, trải nghiệm trong những ngày tại châu Phi vô cùng quý giá, nó giúp mình trưởng thành hơn, cũng như hoàn thiện bản thân rất nhiều", anh chia sẻ thêm.
Sống ở châu Phi, Hải Duy dần dần am hiểu hơn về văn hóa của vùng đất này. Một điều anh cảm thấy ấn tượng nữa là được tham dự vào "lễ mừng thọ" của đồng nghiệp tại đây. Khác với Việt Nam, ở Cộng hòa Trung Phi, chỉ khoảng 50 tuổi là người ta đã tổ chức "lễ mừng thọ".
Hải Duy cho biết: "Khi mời, đồng nghiệp này cho biết là một bữa tiệc sinh nhật tuổi 50. Lúc tới tiệc, mình rất bất ngờ vì quy mô của nó. Có đến hàng trăm khách tham dự, "quá khủng" so với quy mô của một bữa tiệc sinh nhật".
"Sau đó mình được biết, tại một số quốc gia châu Phi, vì tuổi thọ người dân không cao nên 50 đã là người cao tuổi và tổ chức "lễ mừng thọ" rồi. Trong bữa tiệc này, mọi người cùng nhau ăn uống, tham gia vào những điệu nhảy vui nhộn đậm chất châu Phi".
"Thời gian tổ chức tiệc là vào ban ngày và kết thúc khi bóng tối buông xuống. Nó không liên quan đến tục lệ nào cả, đơn giản bởi ở quốc gia này, ánh sáng đèn điện vẫn là một thứ tài nguyên quý giá, cần phải chắt chiu. Bởi vậy tất cả mọi hoạt động sẽ được tổ chức vào ban ngày, dựa vào ánh sáng tự nhiên".
Đến với châu Phi, Hải Duy còn cố gắng giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam đến với những đồng nghiệp quốc tế. Bản thân anh không giỏi nấu nướng nhưng vì muốn giới thiệu "di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" đến với đồng nghiệp nước ngoài mà anh đã cần mẫn học cách nấu phở.
"Với mình, làm ra được một nồi nước phở ngon không phải là điều dễ dàng. Mình đã thử nấu nhiều lần nhưng thú thật hương vị không được như tưởng tượng", Duy cho biết.
"Mình vẫn tiếp tục nấu và cuối cùng cũng thành công. Bạn bè đồng nghiệp quốc tế ăn phở và ai cũng khen ngon cả. Bây giờ ai cũng biết đến và thích món phở Việt Nam. Khi hỏi han trò chuyện, họ cũng hỏi và khen ngợi món ăn này nữa. Điều này khiến mình cảm thấy vui và có chút tự hào. Giới thiệu văn hóa, lan tỏa văn hóa với mình có lẽ là bắt đầu từ những điều nho nhỏ ấy".
Hải Duy vừa có chuyến nghỉ phép về Việt Nam sau 1 năm ở châu Phi. Anh đã quay lại để tiếp tục cho nhiệm vụ.
Anh tâm sự: "Hồi mình báo với gia đình chuyện tham gia lực lượng GGHB, cả nhà ai cũng bất ngờ nhưng đều ủng hộ. Đặc biệt, sau một thời gian được đề cử tham gia nhiệm vụ, mình nhận được tin vui vợ có em bé".
"Thật sự cảm xúc rất lẫn lộn, vừa vui mừng nhưng cũng vừa thương vợ. Ngày vợ sinh, mình đang ở một đất nước xa xôi cách nhà hơn 10 nghìn cây số. Cảm giác được thông báo vợ sinh bé trai làm mình vỡ òa cảm xúc".
"Sau vài tháng khi con sinh ra, mình mới được gặp bé. Hiện tại, mình rất mong hoàn thành tốt nhiệm vụ để trở về với gia đình yêu thương".