Nghe được tiếng cơn bão bụi cao 118m tấn công xe thám hiểm sao Hỏa

GIA MINH |

Các nhà khoa học đã nhìn thấy rất nhiều cơn bão bụi trên sao Hỏa và bây giờ, lần đầu tiên họ nghe thấy chúng. Dòng xoáy đã tác động trực tiếp vào xe tự hành Perseverance của NASA, phủ bụi lên tàu vũ trụ và "thì thầm" vào micro.

Nghe được tiếng cơn bão bụi cao 118m tấn công xe thám hiểm sao Hỏa - Ảnh 1.

Xe tự hành Perseverance trên sao Hỏa - Ảnh: NASA

Kho dữ liệu âm thanh thu được từ cuộc chạm trán giữa xe thám hiểm và cơn bão bụi trên sao Hỏa đã khiến các nhà khoa học kinh ngạc trước ảnh hưởng quá lớn của bụi sao Hỏa đối với khí hậu của hành tinh, theo báo Washington Post.

Các hạt mịn này cũng có thể làm hỏng các thiết bị khoa học trên tàu đổ bộ và xe tự hành thám hiểm sao Hỏa. Đồng thời, bụi có khả năng che phủ các tấm pin mặt trời khiến chúng trở nên vô dụng.

Bài nghiên cứu và âm thanh của cơn bão bụi được xuất bản ngày 13-12 trên tạp chí Nature Communications.

Âm thanh cơn bão nghe như tiếng bộ gõ, lạo xạo giống như tiếng sóng vô tuyến. Người nghe có thể tưởng tượng lãng mạn hơn, đó là một làn gió nhẹ làm gợn một số lá cọ ở xa.

Sau đó là một vài giây im lặng, khi con mắt của cơn bão bụi lướt qua xe thám hiểm. Âm thanh quay trở lại trong vài giây nữa khi cơn bão bụi xoáy trên xe. Sau đó, tất cả kết thúc và sao Hỏa lại yên lặng.

Đây không hẳn là một sự kiện "thời tiết khắc nghiệt". Sao Hỏa có một bầu khí quyển bình thường, dày đặc so với Trái đất, vì vậy những cơn bão ở đó không hú. Chiếc rover không bị hư hại gì.

Tuy nhiên, có rất nhiều tín hiệu trong lượng tiếng ồn ngắn này và trong các hình ảnh trực quan được chụp từ thiết bị SuperCam trên đỉnh xe tự hành.

Các nhà nghiên cứu ước tính cơn bão bụi rộng khoảng 25m và cao 118m.

Bà Naomi Murdoch, nhà khoa học hành tinh tại ISAE-SUPAERO, một viện kỹ thuật hàng không vũ trụ ở Toulouse (Pháp) đồng thời là tác giả của báo cáo, cho biết: "Khi cơn bão bụi bay qua xe Perseverance, chúng tôi thực sự có thể nghe thấy tác động của từng hạt lên xe tự hành".

Một cơn bão bụi hơi giống một tế bào bão thu nhỏ. Nó thường bật lên vào giữa ngày, khi không khí nóng bốc lên từ bề mặt.

Nói một cách kỹ thuật hơn, có thể gọi đây là một dòng xoáy đối lưu chứa đầy bụi. Bụi không phải là nguyên nhân gây ra dòng xoáy, mà chỉ là nguyên nhân dẫn đến cơn bão.

Bà Murdoch cho biết thành công của nhóm trong việc ghi lại âm thanh của cơn bão bụi phản ánh cả sự may mắn và sự chuẩn bị.

Xe tự hành Perseverance đã xoay xở để chụp được cơn bão bụi thông qua nhiều công cụ, ghi nhận sự giảm áp suất không khí, sự thay đổi nhiệt độ, âm thanh của các hạt va chạm. Tất cả đều được hoàn thiện bằng hình ảnh cho thấy kích thước và hình dạng của cơn bão.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại