Nghe đã nhiều nhưng mấy ai biết nguồn gốc câu nói: Cà cuống chết đến đít còn cay!

Gabe |

Câu nói "Cà cuống chết đến đít còn cay" có lẽ đã quá nổi tiếng rồi, nhưng nhiều người thường dùng mà không hiểu hết hàm nghĩa sâu xa của nó.

Từ hàng trăm năm nay, trong đời sống dân gian vẫn lưu truyền câu nói: "Cà cuống chết đến đít còn cay". Câu nói này thường được sử dụng để chỉ những kẻ cố chấp, bảo thủ, khăng khăng phủ nhận mọi thứ đúng đắn dù cái sai của mình đã rõ rành rành.

Về nguồn gốc, xuất xứ của câu thành ngữ này cũng giống nhiều câu nói khác, đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa những hiện tượng có thật và lời ăn tiếng nói, cách chơi chữ mềm mại của cha ông ta.

Trên thực tế, cà cuống là 1 loài côn trùng sống dưới nước, còn có tên khác là Đà cuống hay Long sắt. Thường được mọi người sử dụng để ăn với bánh cuốn hoặc dùng cùng cơm. Chúng thường sống ở những nơi nửa nước, nửa cạn như ruộng lúa, đầm lầy, kênh rạch...

Đặc biết, những con cà cuống đực thường có chứa tinh dầu ở trong tuyến đặc biệt dưới bụng, phía đằng đuôi. Tinh dầu này có tên hoá học là veleriant amil, là loại chất không độc, có vị cay mùi thơm, được coi là gia vị quý hiếm đối với người Việt.

Nghe đã nhiều nhưng mấy ai biết nguồn gốc câu nói: Cà cuống chết đến đít còn cay! - Ảnh 1.

Món cà cuống chiên ròn. Ảnh minh họa

Nhưng điểm đặc biệt này chỉ có ở con đực, những con cái thì không may mắn như thế. Đó cũng là lý do mỗi khi đến mùa cà cuống, nhiều người bắt được đem ra ăn thì không hề thấy cay và trở nên hoài nghi câu thành ngữ xưa.

Lật lại vấn đề, câu nói trên vẫn hoàn toàn chính xác bởi nó dựa trên hiện tượng có thật, khi cà cuống chết, chất tinh dầu được chứa ở dưới bụng phía gần đuôi vẫn còn, và tất nhiên nó sẽ vẫn giữ nguyên bản chất là vị cay, thơm mát.

Vậy, cà cuống-chết-đít còn cay là điều có thật, nhưng nó lại có chút khô khan, không thuận miệng. Chính vì thế, dân gian thêm vào đó 1 từ "đến", biến nó trở thành "Cà cuống-chết đến đít-còn cay", khiến câu nói mềm mại hơn, uyển chuyển hơn và cũng sâu cay hơn.

Cay ở đây được hiểu như là cay cú, ăn thua trong hoàn cảnh thất bại đã ở ngay trước mắt. Ám chỉ những con người ngoan cố, bảo thủ, không chịu chấp nhận cái sai của bản thân để sửa chữa. Không thế mà trong dân gian vẫn lưu truyền:

"Chết đến đít, chết thật mà

Vẫn còn cay cú giống cà cuống kia".

Tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại