Ngày 28/11, ông Trần Công Thành - Chủ tịch UBND xã Nghi Yên (Nghi Lộc, Nghệ An) xác nhận có tình trạng hàng chục người dân trên địa bàn xã này ồ ạt xây dựng mới nhà cửa, các công trình để trục lợi trong việc đền bù, di dời đến nơi ở mới.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều tháng trước, người dân ở xã Nghi Yên sống cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn rất bức xúc về việc môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề.
Nhiều hộ dân ở xã Nghi Yên sống cạnh khu xử lý rác thải nên chịu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường
Sau khi phản ánh lên các cơ quan chức năng, nhiều ngày sau đó người dân đã đến chặn không cho các phương tiện vận tải chở chất thải rắn đi vào nhà máy. Họ yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết tình trạng ô nhiễm và mong được di dời đến nơi ở mới.
Ngày 8/11, UBND TP. Vinh, huyện Nghi Lộc, xã Nghi Yên và đại diện Sở TNMT Nghệ An đã có buổi đối thoại với người dân.
Buổi đối thoại ghi nhận ý kiến phản ánh của dân. Kiểm tra cho thấy có 50 hộ dân trong phạm vi 500-600m cách khu liên hợp xử lý rác cần phải di dời đến khu tái định cư và 200 hộ dân trong phạm vi 1km bị ảnh hưởng.
Khi biết được di dời, nhiều người dân đã xây mới, cơi nới nhà cửa và các công trình phụ để chờ đền bù.
Sau buổi đối thoại, biết sắp tới sẽ có phương án di dời nhà đến nơi ở mới nên từ giữa tháng 11, người dân xã Nghi Yên bắt đầu tập kết vật liệu chuẩn bị cho việc xây dựng mới nhà cửa, các công trình phụ.
Việc xây dựng nhà diễn ra rất khẩn trương. Nhiều hộ làm nhà kiên cố, cũng có người chỉ làm nhà tạm hay sửa sang, làm các công trình phụ, khu chăn nuôi. Thậm chí nhiều nhà chỉ sau 1 đêm đã được xây dựng mới khác với công trình cũ.
Nhiều nhà lâu nay bỏ hoang không sử dụng cũng được người dân "nhiệt tình" sửa sang, xây bờ rào cao thêm.
Khi được hỏi về việc sắp tới sẽ di dời nhưng vẫn xây mới nhà cửa, nhiều người dân trả lời, xây nhà mới để tách riêng con cái hoặc sửa sang vì nhà lâu năm đã quá cũ.
Nhiều hộ dân xây nhà kiên cố.
Tuy nhiên, nhiều người biết rõ mục đích của việc xây nhà này nên bày tỏ quan điểm không đồng tình với những hộ dân xây dựng nhà mới để chờ trục lợi tiền đền bù.
"Có người trước đây đứng ra chặn xe vào nhà máy đòi giải quyết ô nhiễm, đòi di dời nhà thì nay sắp được di dời họ lại xây nhà, sửa nhà là không nên.
Nhiều hộ xây nhà tạm nên nhanh lắm. Có khi chỉ loáng cái trong đêm là xong 1 nhà rồi", môt người dân ở xã Nghi Yên chia sẻ.
Ông Trần Công Thành - Chủ tịch UBND xã Nghi Yên cho biết, trước tình trạng người dân xây dựng mới nhà, phía xã đã báo cáo lên huyện để có hướng chỉ đạo.
Ngay sau đó, huyện Nghi Lộc yêu cầu các cơ quan chức năng thông báo đến từng hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý rác phải giữ nguyên hiện trạng nhà đất như ban đầu để đảm bảo đúng việc kiểm kê tài sản, di dời nhà cửa.
Nhiều hộ dân chỉ xây nhà tạm hoặc sửa sang nhà và các công trình.
Ông Chu Trọng Mạnh - cán bộ địa chính môi trường xã Nghi Yên cho biết, qua kiểm tra hiện trạng của các hộ dân có nguyện vọng di dời thì có 14 hộ dân đang xây dựng, cơi nới nhà cửa và các công trình phụ. Hàng chục hộ dân khác đã tập kết vật liệu chờ xây.
Theo ông Mạnh, dự kiến kinh phí đền bù và tái định cư cho người dân trong vùng khoảng 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc xây dựng của người dân sau ngày 8/11 (sau buổi đối thoại) sẽ không được kiểm đếm và lập phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Nhiều nhà bỏ hoang cũng được sửa hoặc xây cao bờ rào
"Việc xây dựng, cơi nới công trình làm lãng phí tiền, gây khó khăn cho việc kiểm đếm hỗ trợ đền bù.
Chúng tôi đã yêu cầu các hộ gia đình vi phạm phải tổ chức tháo dỡ công trình, trả lại đúng hiện trạng như trước ngày 8/11", ông Mạnh nói và khẳng định sẽ quyết liệt trong việc xử lý các công trình vi phạm.
Hiện phía huyện Nghi Lộc vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan lựa chọn khu tái định cư cho người dân ở xã Nghi Yên để sớm ổn định cuộc sống mới.