UBND thành phố Hà Nội mới đây đã giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông (Ban Giao thông) chủ trì, phối hợp với Sở GTVT Hà Nội các đơn vị Tư vấn tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; trình UBND thành phố xem xét trong quý III/2024, hướng đến kế hoạch khởi công dự án trong năm 2024.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nên cần được khởi công ngay trong năm 2024.
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên tại Hà Nội nối từ đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ sang địa bàn xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Sau khi được xây dựng, cầu Tứ Liên là cầu thứ 7 tại khu vực nội đô Hà Nội (sau các cầu: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì).
Cận cảnh thiết kế cầu Tứ Liên sắp được Hà Nội khởi công. Ảnh: UBND TP Hà Nội
Dự án này bao gồm việc xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu này đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, với tổng chiều dài khoảng 11,5km trị giá gần 20.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.
Nhịp cầu dài 1.000m, khoảng cách trụ 500m, đỉnh tháp cao 158m, chịu được động đất cấp 8. Quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, trong đó có 2 làn đi bộ.
Cầu được thiết kế là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội.
Cầu Tứ Liên khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Đông Anh vào trung tâm Hà Nội, giảm tải áp lực giao thông cho các cây cầu khác như Chương Dương, Thăng Long, Nhật Tân và thúc đẩy phát triển kinh tế 2 bên bờ sông Hồng.
Cây cầu này khi hoàn thành sẽ giảm ách tắc cho các lộ trình giao thông từ thủ đô Hà Nội lên các tỉnh phía Bắc, hình thành nên cửa ngõ thứ 3 từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố, góp phần mở rộng sự phát triển của thủ đô Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trong đô thị, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Hà Nội.