Hàng ngàn cổ động viên từ quê nhà sang Phnom Penh cổ vũ cho đoàn quân của HLV Philippe Troussier đã không thể buồn hơn khi chứng kiến mành lưới U22 Việt Nam rung lên ở phút 90+7, nghĩa là quá muộn để làm nên màn ngược dòng cần thiết. Thua chung cuộc 2-3, U22 Việt Nam trở thành cựu vô địch.
Bóng đá là môn "vua", có thể mang lại niềm vui khôn tả hay nỗi buồn không gì sánh nổi nhưng dẫu sao, đó cũng chỉ là một trong hơn 30 môn mà đoàn thể thao Việt Nam dự tranh tại đại hội lần này. Hành trình SEA Games 32 vẫn tiếp tục và trong ngày thi đấu chính thức thứ 8, đoàn thể thao Việt Nam đã tăng tốc với 16 ngôi vô địch để bứt xa ở ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương.
Aerobic là môn thi ASIAD mà Việt Nam thống trị đấu trường khu vực .Ảnh: QUANG LIÊM
Mở màn bằng cú hat-trick "vàng" ở sàn đấu aerobic, các nhà vô địch World Cup - gồm Phan Thế Gia Hiển, Trần Hà Vi, Hoàng Gia Bảo, Lê Hoàng Phong, Nguyễn Chế Thanh… - đã khẳng định được sức mạnh vô đối ở sân chơi khu vực. Vẫn còn đến 2 nội dung tranh tài vào ngày 14-5, aerobic Việt Nam tràn đầy quyết tâm giành trọn 5 ngôi vô địch trên đất Campuchia lần này.
Khởi đầu quá thuận lợi của đội aerobic đã tiếp thêm sức mạnh cho cả đoàn thể thao Việt Nam. Sau hàng loạt trục trặc từ đầu đại hội, cuối cùng Nguyễn Thị Thật cũng đã giành được tấm HCV quý giá cho đội tuyển xe đạp - giải cơn khát "vàng" kéo dài suốt nhiều ngày qua. Xe đạp vẫn còn một nội dung nữa và hy vọng Nguyễn Thị Thật cùng đồng đội có thêm động lực để chinh phục cự ly cá nhân đường trường trong ngày cuối.
Lại Lý Huynh lần đầu đăng quang ở môn cờ tướng SEA Games, đua thuyền truyền thống có HCV ở nội dung bộ ba nữ, judo giành "vàng" bài quyền đôi còn cử tạ cũng đã kịp điền tên mình lên bảng vàng đại hội bằng cái tên quen thuộc Lại Gia Thành, hạng 55 kg nam.
Tuy vậy, điểm nhấn trong màn tăng tốc của thể thao Việt Nam ngày 13-5 chính là những lần xuống nước rất thành công của đội tuyển lặn ở các nội dung vòi hơi chân vịt và chân vịt đôi. Dự thi 6 nội dung và giành đến 5 HCV cùng 3 kỷ lục đại hội, phải dành nhiều lời khen ngợi cho các "người cá" trẻ tuổi như Kim Văn Kiệt (400 m vòi hơi chân vịt nam), Vũ Đặng Nhật Nam (200 m chân vịt đôi), ngôi sao mới 16 tuổi Nguyễn Trần San San (400 m vòi hơi chân vịt nữ)…
Hiện bỏ xa 2 đoàn xếp kế tiếp là Thái Lan và Campuchia từ 8 - 25 HCV, đoàn thể thao Việt Nam vẫn còn rất nhiều "quân bài" để có thể áp sát mục tiêu 100 HCV đề ra ban đầu. Đây mới là đích đến mà lãnh đạo đoàn đã khẳng định và cam kết với giới truyền thông khi đại hội còn 3 ngày tranh tài cuối.
Bảng vàng ngày 13-5
Phan Thế Gia Hiển (aerobic, đơn nam), Trần Hà Vi (aerobic, đơn nữ), Hoàng Gia Bảo, Lê Hoàng Phong, Nguyễn Chế Thanh (aerobic, đồng đội ba nam), Nguyễn Thị Thật (xe đạp, đường trường đồng hàng nữ), Lại Gia Thành (cử tạ, 55 kg nam), Bùi Thị Yến, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Hồng Thái, Hồ Thị Ne, Ma Thị Thương, Diệp Thị Hương (đua thuyền truyền thống, 3 người (U24) 250 m - nữ), Lại Lý Huynh (cờ tướng, cờ tiêu chuẩn nam), Tạ Đức Huy, Nguyễn Cường Thịnh (judo, kime-no-kata nam), Bùi Phước Tùng (boxing, 71 kg nam), Hà Thị Linh (boxing), Kim Anh Kiệt (lặn, 400 m vòi hơi chân vịt nam), Lê Thị Ngọc Huệ (billiards, carom 1 băng), Nguyễn Trần San San (lặn, 400 m vòi hơi chân vịt nữ), Vũ Đặng Nhật Nam (lặn, 200 m vòi hơi chân vịt đôi), Trần Phương Nhi, Đặng Thị Vương, Phạm Thị Thu, Cao Thị Duyên (lặn, 4x100 m vòi hơi chân vịt nữ), Nguyễn Tiến Đạt, Đỗ Đình Toàn, Đặng Đức Mạnh, Nguyễn Thành Lộc, Lê Đặng Đức Việt (lặn, 4x100 m vòi hơi chân vịt nam).