Ngày thứ 14 thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn Hà Nội: Ngoại thành khá nghiêm, nội thành vẫn nhiều vi phạm

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Liên tục những ngày qua, lực lượng chức năng các địa phương đã nỗ lực bám sát địa bàn để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực hiện cách ly xã hội trên toàn thành phố Hà Nội. Dù dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng và đã có hàng nghìn trường hợp bị xử lý, song ghi nhận trong ngày 14-4 của nhóm phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra, đặc biệt ở khu vực nội thành. Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để xử lý nghiêm các vi phạm.

Ngoại thành thực hiện tương đối nghiêm

Có mặt tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) 8h30 sáng 14-4, phóng viên nhận thấy các cửa hàng kinh doanh đều đóng cửa, lượng người qua lại trên các tuyến đường rất ít…

Ông Nguyễn Giáp Dần, Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình cho biết, xã thành lập 2 chốt kiểm dịch đo thân nhiệt, sát khuẩn người ra/vào địa bàn và một tổ cơ động hằng ngày đi tuyên truyền, vận động người dân đóng cửa hàng kinh doanh không thiết yếu; không tụ tập đông người…

Trong khi đó, tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) - nơi đang được phong tỏa và thực hiện thiết lập vùng cách ly y tế toàn thôn từ ngày 8-4, hầu như không có bóng người trên các trục đường.

Trực tiếp tham gia tại chốt cách ly y tế thôn Hạ Lôi, đoàn viên thanh niên Dương Văn Tuấn cho biết: Người dân thực hiện cách ly rất nghiêm túc; hằng ngày chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ y tế, an ninh trật tự đi kiểm soát địa bàn thôn Hạ Lôi và kiểm tra sức khỏe người dân.

Không khí cách ly xã hội cũng xuất hiện ở nhiều xã, thị trấn của huyện Phú Xuyên, huyện Đan Phượng và thị xã Sơn Tây. Còn tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) dù trời nắng ấm nhưng khá thưa vắng người hoạt động.

Chủ tịch UBND thị trấn Đông Anh Nguyễn Thị Kim Dung cho hay: Thị trấn đã thành lập 41 chốt mềm, kiểm soát người ra/vào tại các tổ dân phố; thành lập 7 đoàn kiểm tra tại các tổ dân phố, cụm dân cư để phối hợp với lực lượng công an tuần tra, kiểm soát… nên vi phạm được hạn chế rất nhiều.

Nội thành vẫn nhiều vi phạm

Trái ngược với khu vực ngoại thành, nhiều vi phạm ở vùng nội thành lại chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, tại phố Hồng Mai (phường Bạch Mai), phố Võ Thị Sáu (phường Thanh Nhàn), một số hàng quán vẫn mở cửa cho khách vào mua bán, ăn uống. Các cửa hàng bán mũ bảo hiểm từ số nhà 305 đến 307 phố Huế khi thấy khách dừng đều chào mời, trong khi lại không đeo khẩu trang.

Gần đó, 2 cửa hàng ở số 223 và 225A, cửa hàng Tuấn Hoa 155 phố Huế cũng mở cửa, có người đứng vẫy khách vào mua hàng. Còn trên địa bàn quận Long Biên, tại các số nhà số 215, 327, 347, 353 Lâm Du (phường Bồ Đề), các cửa hàng rửa xe máy và kinh doanh kim khí, điện nước vẫn mở cửa…

Trên đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm), cửa hàng giày dép tại số 99, cửa hàng sửa chữa xe máy tại số 62, cửa hàng bún chả ở số 63… vẫn vô tư hoạt động. Còn tại quận Bắc Từ Liêm, nhiều cửa hàng ở những nhánh đường nhỏ vẫn bán hàng như: Cửa hàng Hoàng Tiến số 77, cửa hàng gạch đá lát số 17 (đường Phú Diễn); cửa hàng que hàn, đá cắt ở số 30 đường 32, Ngọa Long vẫn bán hàng...

Trong khi vi phạm tại nhiều cửa hàng, cửa hiệu trên các đường, phố còn khá phổ biến thì ở nhiều chợ, việc thực hiện cách ly xã hội cũng rất đáng lo ngại. Khảo sát của phóng viên tại các chợ dân sinh, chợ “cóc” trên nhiều tuyến phố vẫn diễn ra tấp nập, người mua - bán hàng không giữ khoảng cách 2m.

Đơn cử, như tại quận Hai Bà Trưng, các chợ dân sinh trên phố Trại Găng (phường Thanh Nhàn), khu tập thể Nguyễn Công Trứ (phường Phố Huế). Tại phố Trần Đại Nghĩa (phường Đồng Tâm) diễn ra tình trạng hàng rong chiếm dụng lòng đường, chèo kéo khách....

Tại quận Hoàng Mai, một số chợ cóc trong ngõ 106 Nguyễn An Ninh (phường Tương Mai), phố Hoàng Mai thiếu các biện pháp phòng, chống dịch. Tương tự, trên đường Nguyễn Xiển (phường Đại Kim) thường xuyên có nhiều người bán hàng rong ngay dưới lòng đường (đoạn trước số 312 Nguyễn Xiển).

Cách đó không xa, đoạn phía trước dự án Công viên Chu Văn An có một người bán chim cút và làm thịt chim cút ngay tại chỗ.

Ghi nhận tại quận Ba Đình, chợ tự phát ở vỉa hè phố Thanh Bảo (phường Kim Mã) đủ các mặt hàng thực phẩm, thậm chí có cả dịch vụ thịt gia cầm sống gây mất vệ sinh môi trường. Hoặc tại vỉa hè phố Ngọc Hà quanh khu vực trước cổng chợ Ngọc Hà (phường Đội Cấn), người mua vẫn chủ quan đứng sát nhau.

Tại chợ “cóc” phố Nguyễn Văn Giáp; chợ Tân Mỹ (quận Nam Từ Liêm) hoạt động mua bán diễn ra ngay dưới lòng đường, vỉa hè và không mấy ai giữ khoảng cách. Tình trạng chợ tạm, chợ “di động” cũng khá phổ biến tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm như: Chợ dân sinh Cự Khối, chợ “cóc” ở ngõ 47, đường Hồng Hà, xóm 3 thôn Bát Tràng... vẫn có người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn.

Cần vào cuộc quyết liệt hơn

Có một thực tế là ý thức người dân chưa cao nên khi lực lượng chức năng ra quân xử lý thì họ rời đi, nhưng khi vắng bóng, vi phạm lại tái diễn. Ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn cho biết: “Thời gian qua, phường cũng quyết liệt kiểm tra, nhắc nhở; đã xử lý 9 trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân ý thức kém, đối phó với cơ quan chức năng. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền cần nhiều hơn nữa sự hợp tác, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch”.

Với cảnh mua bán thiếu ý thức phòng dịch ở khu vực chợ tạm Tân Mỹ, Phó Trưởng Công an phường Mỹ Đình 1 Trần Xuân Đại cho biết, công an, dân phòng phường liên tục ra quân để xử lý vi phạm cũng như nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định phòng dịch. Việc này sẽ được lực lượng chức năng thực hiện triệt để hơn nữa.

Thiếu tá Đặng Quang Nam, Trưởng Công an phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Từ ngày 1-4, Công an phường đã tham mưu và phối hợp với UBND phường lập 4 chốt kiểm tra trước lối vào chợ tạm tại ngõ 10, phố 8-3. Công an phường đã xử phạt 18 trường hợp không đeo khẩu trang. Lực lượng sẽ tiếp tục tuần tra, kiểm soát hằng ngày, đặc biệt xử lý những vi phạm mà Báo Hànộimới đã nêu.

Còn với vi phạm trên địa bàn quận Hoàng Mai, theo ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận, từ ngày 17-3 đến nay UBND quận đã tạm dừng hoạt động 1.943 cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, lập chốt trực 24/24h tại các ngã ba, khu chung cư và tổ dân phố. Đồng thời, thành lập 16 đoàn kiểm tra, xử lý 311 trường hợp. Với các vi phạm phát sinh, UBND quận sẽ giao công an xử lý nghiêm.

Về trường hợp vi phạm tại cổng làng Hậu, cạnh số 7 phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), từ sáng sớm hàng xôi đã bán hàng, người bán - người mua đều trong cảnh “chớp nhoáng” để đề phòng lực lượng chức năng (Báo Hànộimới đăng trên số báo ngày 13-4), UBND quận Cầu Giấy cho biết, trong sáng 14-4 đã yêu cầu chủ hàng không được bán.

Để kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, UBND quận Đống Đa đã yêu cầu các phường và lực lượng chức năng tiếp tục giải tỏa các điểm chợ cóc, dừng buôn bán ở các chợ tạm. Ghi nhận tại một số điểm chợ tạm giữa nhà C3 và C4 (phường Trung Tự); chợ tạm Thái Thịnh 1 (phường Thịnh Quang); cổng chợ Ngã Tư Sở, chợ Cầu Mới (phường Ngã Tư Sở) cho thấy người dân, các hộ kinh doanh đã chấp hành.

Theo Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng, để giải quyết vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại chợ Ngã Tư Sở và chợ Cầu Mới, UBND phường đã phân công các lực lượng lập chốt trực để xử lý vi phạm từ 3h sáng hằng ngày. “Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý 17 trường hợp vi phạm tại chợ Ngã Tư Sở, trong đó 15 trường hợp bán hàng rong; xử phạt 8 trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng...”, ông Hoàng Mạnh Dũng cho biết.

Chắc hẳn đến lúc này, mỗi người đều đo lường được hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội khi những con số tích cực về diễn biến của dịch ngày càng nhiều thêm. Để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch Covid-19, mỗi người cần tự giác thực hiện tốt các biện phòng dịch. Đồng thời, việc tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm là yếu tố bảo đảm cho việc cách ly xã hội có được kết quả trọn vẹn hơn.

Xử phạt gần 5.900 trường hợp trong phòng, chống dịch Covid-19

Tính đến 17h ngày 14-4, báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 1-4 đến nay cho thấy, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 5.873 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Những địa phương có số trường hợp bị xử phạt cao nhất ở khu vực nội thành là các quận: Nam Từ Liêm (547 trường hợp), Hai Bà Trưng (414 trường hợp), Cầu Giấy (336 trường hợp)...

Khu vực ngoại thành có số liệu xử phạt cao nhất là các huyện: Thanh Trì (362 trường hợp), Đan Phượng (262 trường hợp), Phúc Thọ (188 trường hợp), Chương Mỹ (180 trường hợp)... Các lỗi vi phạm chủ yếu bị xử phạt vẫn là do mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do cấp thiết...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại