Ngày Tết, từ chối chén rượu mời có thể làm mất lòng, nhưng hãy thử hỏi: 'Nếu mình uống say gặp chuyện thì có bạn nhậu nào chăm?'

Huyền My |

Chỉ vì cả nể, sợ bạn không vui, hoặc can ngăn chưa quyết liệt, mà biết bao vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan tới bia rượu đã xảy ra, và hệ quả là con mất cha, vợ mất chồng, người người, nhà nhà mất người thân...

Số liệu thống kê năm 2016 từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông là liên quan đến rượu bia, gây thiệt hại cho đất nước 250 tỷ đồng mỗi ngày.

Đặc biệt, tai nạn giao thông luôn gia tăng mạnh vào những dịp lễ Tết. Dù đường vắng người thưa, nhưng tai nạn lại đến nhiều và nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân đến từ những những cốc bia, chén rượu mời nhau trong buổi liên hoan, tất niên. Chỉ vì cả nể, sợ bạn không vui, thiếu quyết liệt mà chúng ta sẵn sàng cạn ly, hết chén này tới chén khác.

Thế nhưng, hiếm ai trong chúng ta nhận ra chỉ vì khoảnh khắc vui vẻ trong phút chốc có thể đánh đổi bằng cả cuộc đời. "Nếu mình có mệnh hệ gì thì làm gì có thằng "bạn nhậu" nào chăm lo cho mình đâu?"

Mới đây, tài khoản Facebook T.V đã chia sẻ câu chuyện của anh, một người trong cuộc vừa gặp tai nạn giao thông thoát chết cách đây 2 tháng.

Câu chuyện của T.V rất quen thuộc, bởi hầu hết trong chúng ta đều đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Có thể cả T.V và chúng ta vẫn an toàn, nhưng lần tiếp theo liệu có còn may mắn như vậy?

Ngày Tết, từ chối chén rượu mời có thể làm mất lòng, nhưng hãy thử hỏi: Nếu mình uống say gặp chuyện thì có bạn nhậu nào chăm? - Ảnh 1.

Thưa các cụ các mợ !

Hôm nay là mùng một, cũng là tháng cuối cùng trong năm âm lịch. Sau rất nhiều lần suy nghĩ đắn đo, em quyết định chia sẻ câu chuyện của mình - mong rằng đây sẽ là bài học cho tất cả những ai đã, đang và sẽ cầm tay lái.

Những chuyện vui, việc tốt thì rất cần được lan tỏa; nhưng những chuyện xấu, những bài học thiết nghĩ cũng rất cần được sẻ chia.

Mọi chuyện đều liên quan đến rượu bia và bản lĩnh các cụ ạ. Sự việc diễn ra đúng vào đêm mùng một. Hôm nay là tròn 2 tháng...

Ngày hôm đó em dự sinh nhật của một người bạn, tất cả đều uống rất say, sau bữa tiệc thì mấy anh em rủ nhau đi tăng tiếp. Vì lần nào cũng như vậy, mới được gọi là "hết mình". Mọi người lên xe của em.

Người bạn em là chủ bữa tiệc hôm đó nhất quyết đòi lên lái xe để đưa anh em đi; bản thân em cũng ngăn cản nhưng do tính cả nể, sợ bạn không vui và chưa thực sự quyết liệt - em đồng ý.

Người bạn khác đi cùng cũng một mực khẳng định "Tân yên tâm đi, anh đi với anh X nhiều lần rồi, lúc uống rượu anh ấy lái xe rất CHUẨN CHỈ".

Và kết quả, các cụ thấy đấy!!!!

Ngày Tết, từ chối chén rượu mời có thể làm mất lòng, nhưng hãy thử hỏi: Nếu mình uống say gặp chuyện thì có bạn nhậu nào chăm? - Ảnh 2.

Chiếc xe KIA của nhân vật T.V sau tai nạn

(Em xin phép không kể chi tiết về vụ tai nạn vì còn nhiều yếu tố phức tạp, tế nhị).

Nhưng thực sự, là một người trên xe và chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc, em cảm thấy không khác gì những vụ tai nạn kinh hoàng nhất trên phim ảnh.

Cảm giác cái chết đến gần với mình hơn bất cứ lúc nào. Chiếc xe lao sang trái, sang phải, lộn nhào, mọi thứ vụn nát, cây cối đổ rạp, mảnh kính tung tóe. Bản thân hoảng loạn, chỉ biết lấy tay ôm đầu thủ thế!

Chắc phải có phép màu nào đó, hoặc được tổ tiên phù hộ, mà mọi người trên xe đều không sao, chỉ xây xát nhẹ.

Sau ít phút đầu sợ hãi thì em cũng lấy lại được bình tĩnh, bò ra khỏi xe, gọi taxi đưa các bạn đến bệnh viện chiếu chụp lại cho yên tâm, còn mình thì ở lại hiện trường xử lý, gọi cứu hộ.

Khi xe được cẩu lên - như vô thức, em vội vàng mở cửa nhặt đôi dép của thằng cu nhà em để trên xe, giữ chặt trong tay; còn đâu không màng đến giấy tờ, tài sản gì cả. Đến lúc đấy mới nghĩ đến gia đình, vợ con.

Rượu tan. Em rưng rưng khóc.

Ngày hôm ấy, suýt nữa 3 gia đình mất đi 3 người đàn ông trụ cột, 3 ông bố của những đứa con có thể đã ra đi mãi mãi... Chỉ vì rượu. Nghĩ vừa sợ hãi vừa oán trách bản thân.

Ngày Tết, từ chối chén rượu mời có thể làm mất lòng, nhưng hãy thử hỏi: Nếu mình uống say gặp chuyện thì có bạn nhậu nào chăm? - Ảnh 3.

Chiếc xe KIA của nhân vật T.V sau tai nạn

Vậy đấy các cụ ạ!

Trước đây, câu khẩu hiệu "đã uống rượu bia không lái xe" hay việc bảo ban nhau "phải đi taxi nếu đã uống rượu". Em chưa hiểu và cũng chưa thấy sự quan trọng của nó, vẫn chỉ nói và nói. Sáo rỗng hô hào.

Nhưng nay, khi sự việc xảy đến với chính bản thân mình, khi sự sống và cái chết mong manh hơn bao giờ hết, khi những hình ảnh tưởng như chỉ có trên phim ảnh nay lại xảy ra ngay trước mắt. Mới thấy thấm thía, xót xa.

Thế nên các cụ nhé! Hãy lấy những hình ảnh kia làm bài học quý giá. Bia rượu - sự thiếu bản lĩnh - tính cả nể. Thực sự vô cùng nguy hiểm.

Ngày hôm đó có lẽ em may mắn, nhưng có nhiều người, nhiều gia đình đã không được như vậy. Đừng để khi sự việc xảy ra mới nói hai từ "Giá như". Cũng chẳng có nhiều dịp vẫn còn được "đổ lệ" khi thấy quan tài.

Thêm bài học nữa là chiếc xe KIA cũng không mua bảo hiểm thân vỏ, thiệt hại về kinh tế phí sửa cũng hơn trăm triệu, sửa chữa hơn một tháng trời.

Sửa xong rồi, bán cho người thân quen thì lương tâm không cho phép, nên phải bán cho thợ dưới dạng xe tai nạn, chịu lỗ một khoản tương đương. Cả năm trời cặm cụi làm ăn tích góp, công của phút chốc tan biến.

Việc xử lý hậu quả sao cho khéo léo, vừa phân chia trách nhiệm hài hòa, vừa giữ được tình cảm anh em - cũng khá nan giải. Phải nói sao cho vợ, cho gia đình hiểu chuyện - cũng phải cân nhắc quá nhiều.

Nên em lại rút ra thêm được bài học về sự cần thiết phải mua bảo hiểm, những lúc có sự việc xảy ra, mới thấy thiết thực nhường nào.

Ngày Tết, từ chối chén rượu mời có thể làm mất lòng, nhưng hãy thử hỏi: Nếu mình uống say gặp chuyện thì có bạn nhậu nào chăm? - Ảnh 4.

Chiếc xe KIA của nhân vật T.V sau tai nạn

Một năm cũ sắp hết, những vận hạn, sự việc đáng tiếc... cũng sắp qua. Chúc cho những sự bình an, cho những điều may mắn sẽ đến với tất cả chúng ta.

Mong rằng qua câu chuyện của em, các cụ các mợ sẽ "học được một chút gì đấy"...

Tết đang đến rất gần, đồng nghĩa với đó là tần suất của những liên hoan, tất niên, chúc tụng cũng tăng cao. Trước khi mỗi ly rượu nâng lên, mong rằng chúng ta hãy biết nghĩ - biết lo - biết sợ.

Hãy đừng ích kỷ hưởng thụ mà không nghĩ đến cảm giác lo lắng của người ở nhà; hãy đừng khó chịu trước lời cằn nhằn của mẹ, của vợ khi chén chú chén anh cùng chiến hữu.

Đừng lấy tính mạng mình ra mặc cả mà tiếc vài chục taxi, người làm ra tiền chứ mất người rồi thì không tài sản nào đánh đổi được; có tiền góp nhậu - phải có tiền gọi xe. Đã can ngăn, thì phải quyết liệt.

Cũng đừng vì cái sĩ diện hão, cái "hết mình" mà không quyết đoán từ chối. Câu nói là của người, còn cuộc đời là của mình; cuộc đời ngắn ngủi vô thường; đừng bận tâm dăm ba câu nói mà bốc đồng hành động. Bạn xấu thì luôn nói lời thách đố vô tâm, còn bạn bè thực sự - sẽ chẳng ai trách cứ nếu ta chối từ chính đáng.

Chúc cho tất cả chúng ta - lái xe và cư xử TRÁCH NHIỆM hơn, BẢN LĨNH hơn!!!

Bài chia sẻ của nhân vật T.V đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình của cộng đồng khi thu hút hơn 10.000 lượt like, và gần 3.000 lượt chia sẻ trên Facebook.

- "Em nói thật là khi ngồi vào bàn rượu, em ghét nhất là thằng nào ép rượu, bình thường thì rất rất tôn trọng, không bao giờ lếu láo, nhưng cứ ai mà ép rượu là em cho là thằng hết. Rượu chè be bét, ngán quá ngán", một tài khoản trên mạng xã hội bình luận.

Một nữ độc giả cũng chia sẻ cảm xúc lo lắng, đồng thời cho rằng nếu việc bia rượu là bất khả kháng, tốt nhất là đừng nên đi xe riêng mà hãy đi taxi

- "Đấy nhé! Các ông chừa đi tội uống rượu đi xe. Người đi không bực bằng người trực nồi cơm. Đã uống vào là tốt nhất đi taxi cho chúng tôi nhờ. Mỗi lần sinh nhật bạn, tiếp khách, liên hoan, họp lớp là như ngồi trên đống lửa".

- "Mình lăn ra thì làm gì có thằng bạn nhậu nào chăm. Chỉ làm khổ mẹ, khổ vợ, khổ con cái. Rượu bia vào thì thú tính trỗi dậy, máu bốc đồng lên cao... Ai uống hãy nhớ chừng mực"", một người khác chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại