Ngày này năm xưa, một vị vua được coi là "bất tài" của Trung Quốc băng hà nhưng trước khi chết đã chống lại tổ tiên, bãi bỏ hủ tục tuẫn táng tàn bạo

Thùy Bảo |

Trong thời đại nhà Minh, từng có một vị vua lên ngôi hai lần, dù không tạo nên chiến công hiển hách nhưng đã có một quyết sách “đúng đắn” lưu truyền ngàn năm.

Ngày này năm xưa, một vị vua được coi là bất tài của Trung Quốc băng hà nhưng trước khi chết đã chống lại tổ tiên, bãi bỏ hủ tục tuẫn táng tàn bạo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Minh Anh Tông là vị vua hiếm hoi trong lịch sử phong kiến Trung Quốc khi lên ngôi vua đến 2 lần. Lần đầu tiên là khi 9 tuổi và lần thứ hai là khi ông đã 30 tuổi. Ông mất ngày 23/2/1464, ngày này 559 năm trước và thọ 38 tuổi.

Theo thông tin từ trang Sohu, trong suốt quá trình trị vì, vua Minh Anh Tông không có chiến công lớn cũng như không đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Ông cũng từng bị bắt làm tù binh, sau rất nhiều khó khăn mới có cơ hội trở về.

Tuy nhiên, dù “không phải vị vua giỏi” nhưng Minh Anh Tông lại là người có công rất lớn đối với các phi tần vì dám bãi bỏ một quy tắc “tàn khốc” của tổ tiên.

Theo lịch sử, thời kỳ phong kiến Trung Quốc từng có một hủ tục đáng sợ có tên là “tuẫn táng”. Nó đã xuất hiện từ thời nhà Thương, Chu và kéo dài đến thời Tây Hán. Ý nghĩa của việc “tuẫn táng” là giúp hoàng đế sau khi tạ thế sẽ có người bầu bạn và chăm sóc ở thế giới bên kia. Đôi khi cũng là để trấn yểm lăng mộ.

Tuy nhiên từ sau thời nhà Hán, điều này đã không còn là nghi lễ bắt buộc nữa. Ví dụ như vào thời Đường, các phi tần, cung nữ của Tiên Đế nếu không có con cái sẽ chỉ phải xuất gia đi tu. Nhưng đến triều đại nhà Minh, các cung nữ làm cung phi trong thời đại này đã phải đối mặt với hiện thực “đi theo vua” một lần nữa. Thông thường, khi nhà vua tạ thế, các thái giám sẽ đưa cung phi đến một cung điện nhỏ và tiến hành treo cổ tập thể để “bồi táng” theo vua.

Ngày này năm xưa, một vị vua được coi là bất tài của Trung Quốc băng hà nhưng trước khi chết đã chống lại tổ tiên, bãi bỏ hủ tục tuẫn táng tàn bạo - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa

Theo ghi chép trong Minh triều bí sử, khi người sáng lập triều đại nhà Minh - vua Chu Nguyên Chương băng hà thì 40 cung phi đều bị tuẫn táng theo. Sau đó, vào triều đại của các nhà vua Minh sau, các cung phi cũng phải chịu số phận tương tự. Ví dụ, thời Minh Thành Tổ (1424) đã tuẫn táng hơn 30 cung phi.

Hay trong 10 cung phi tuẫn táng theo Minh Tuyên Tôn có một người tên là Quách Ái, dù vừa vào cung chưa được một tháng nhưng bà cũng phải tuẫn táng theo nhà vua. Và sau khi các cung phi tuẫn táng, phần lớn hoàng đế kế nhiệm sẽ ban cho họ và người nhà một số đặc ân như ban tên thụy hay biểu dương phẩm hạnh,...

Tuy nhiên, trong triều đại nhà Minh có Minh Anh Tông - một vị vua khác biệt hoàn toàn. Trước khi mất, ông đã để lại di chiếu: “Từ Chu hoàng đế, khi băng hà, các phi tần, cung nhân đều phải tuẫn táng. Ta không đành lòng làm như vậy. Sau khi ta đi, không được tuẫn táng. Hậu thế cũng nên bỏ hủ tục này đi”.

Theo một số tương truyền, nguyên nhân khiến vị vua đưa ra quyết sách “trái ngược” tổ tiên là vì ông từng lên ngôi ở độ còn rất trẻ nên đã từng thấy các cung phi bị tuẫn táng theo vua Minh Tuyên Tôn. Điều này khiến vua Anh Tông bị ám ảnh và không muốn điều này xảy ra trong thời đại của mình. Hay một nguyên nhân khác, có người cho rằng ông có mối tình sâu đậm với Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu nên không muốn người vợ của mình phải tuẫn táng.

Bên cạnh đó, cũng có sử sách cho rằng, ông từng chịu cảnh làm tù binh nên hiểu sinh mạng đáng giá thể nào. Dù không có nhiều chiến công hiển hách nhưng vua Minh Anh Tông đã có công phế bỏ chế độ tuẫn táng người vô nhân đạo này.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại