Ngày mai, điều gì sẽ xảy ra sau khi Qatar trả lời 13 điều kiện của các nước Ả rập?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngày 4/7 là thời hạn chót để Qatar hồi đáp tối hậu thư về 13 điều kiện của Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập.

Nỗ lực kêu gọi hòa giải

Ngay sau khi Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thanii ngày 3/7 trao cho Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmed Al-Sabah thư trả lời của Quốc vương Qatar Tamim Bin Hamad Al-Thani về danh sách 13 đòi hỏi của Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Bahrain và Ai cập, một loạt các hoạt động ngoại giao đã được xúc tiến nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Quốc vương Qatar, Quốc vương Ả rập Xê út và Thái tử của Tiểu vương quốc Abu Dhabi (thuộc Các tiểu vương quốc A-rập Thống Nhất) để bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.

Ông nhấn mạnh cần thiết phải chấm dứt tài trợ cho các tổ chức khủng bố và các nhóm cực đoan ở khu vực, đồng thời kêu gọi đoàn kết giữa các quốc gia vùng Vịnh nhằm thực hiện các mục tiêu tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố và củng cố ổn định tình hình khu vực.

Đáng lưu ý, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ CIA - tướng David Petraeus trả lời báo Le Journal du Dimanche của Pháp rằng, Qatar đã tiếp nhận các phái đoàn của Phong trào Taliban và Hamas là "theo yêu cầu của Mỹ".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với Quốc vương Qatar Tamim Bin Hamad Al-Thani, Thủ tướng Anh Theresa May điện đàm với Thái tử Ả rập Xê út Mohammed Bin Salman kêu gọi các bên có những bước khẩn cấp làm giảm căng thẳng, ủng hộ các cố gắng trung gian hoà giải của Quốc vương Kuwait và sẵn sàng đóng góp để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Ngày mai, điều gì sẽ xảy ra sau khi Qatar trả lời 13 điều kiện của các nước Ả rập? - Ảnh 1.

Hàng loạt quốc gia như Mỹ, Nga, Anh, Đức kêu gọi giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh bằng đối thoại hòa bình. Ảnh: Sputnik

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel thăm Ả rập Xê út và một số nước vùng Vịnh cũng kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết hoà bình cuộc xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Italia Sergio Mattarella, các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh Châu Âu EU, Liên minh châu Phi AU.... đều ủng hộ giải quyết cuộc khủng hoảng giữa các nước vùng Vịnh bằng đối thoại hoà bình.

Như vậy, mặc dù còn có những ý kiến khác nhau nhưng trong những ngày qua đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực, tất cả các bên đều nhất trí phải chấm dứt ủng hộ khủng bố và giải quyết vấn đề bằng các biện pháp ngoại giao.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Năm 2014, các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh GCC cũng đã thỏa thuận với nhau giải quyết mọi bất đồng bằng thương lượng hoà bình giữa những người anh em trong khuôn khổ của tổ chức này.

Đến giờ phút này, vẫn chưa ai biết nội dung thư trả lởi của Quốc vương Qatar. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin được cho là đáng tin cậy từ Kuwait thì trong thư trả lời, Doha tỏ sẵn sàng hạ cấp quan hệ ngoại giao và kinh tế với Iran nếu tất cả các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đều cam kết làm như vậy. Bức thư cũng khẳng định "không hề có bất cứ một phần tử vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran nào trên lãnh thổ của Qatar" và đòi hỏi này là nhằm bôi nhọ uy tín của Qatar.

Cũng theo nguồn tin này, Qatar nêu rõ "Thổ Nhĩ Kỳ là một nước Hồi giáo, trong Hiến chương của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh không có điều nào ngăn cấm các thành viên cho phép một nước Hồi giáo đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Đồng thời, Qatar bác bỏ cáo buộc Doha có quan hệ với các tổ chức khủng bố nằm trong danh sách phân loại của Liên hợp quốc và khẳng định Qatar là một thành viên tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ngày mai, điều gì sẽ xảy ra sau khi Qatar trả lời 13 điều kiện của các nước Ả rập? - Ảnh 2.

Nếu nội dung được tiết lộ trên là đúng thì có nghĩa, thư trả lời của Qatar hoàn toàn mang tính chất ngoại giao, không nói "không" và cũng không nói "có". Ngoại trưởng bốn nước cấm vận Qatar sẽ họp tại Thủ đô Cairo của Ai cập ngày 5/7 với sự có mặt của Ngoại trưởng Kuwait để thảo luận các bước tiếp theo trong quan hệ với Qatar.

Trong tình hình như vậy, cuộc họp tại Cairo chắc chưa thể đi đến quyết định hoà giải. Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh lần này là cuộc khủng hoảng căng thẳng và phức tạp nhất kể từ khi thành lập Hội đồng hợp tác vùng Vịnh năm 1981 đến nay. Cuộc khủng hoảng năm 2014 cần tới 8 tháng mới giải quyết được thì lần này không dễ gì giải quyết một sớm một chiều.

Tình hình sắp tới chắc chắn sẽ còn hết sức phức tạp. Rất có thể các nước cấm vận sẽ có các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Qatar.

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng trong số các biện pháp này, không loại trừ khả năng Ả rập Xê út, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Bahrain và Ai cập sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại với Qatar; các nước quan hệ kinh tế, thương mại với Qatar có thể bị đưa vào danh sách không được quan hệ với các nước cấm vận, rút tiền khỏi các ngân hàng của mình ở Qatar và có thể đơn phương đình chỉ tư cách thành viên của Qatar trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh GCC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại