Ngày giỗ đầu của Lý Quang Diệu và sự ích kỉ của cô con gái cưng

Đức Huy |

Tranh cãi xung quanh những phát biểu của bà Lý Vỹ Linh, con gái cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, đang là chủ đề được bàn tàn nhiều nhất trên Đảo quốc Sư tử trong vài ngày qua.

Anh em tranh cãi là chuyện thường tình, nhưng "vạch áo cho người xem lưng" ngay trong ngày giỗ đầu của cha mình thì có lẽ là chuyện khó chấp nhận.

Nhưng bà Lý Vỹ Linh, cô con gái cưng của Lý Quang Diệu, cô con gái với tấm bằng Tiến sĩ cùng 30 năm cống hiến cho y học trên cương vị Giám đốc Viện nghiên cứu thần kinh học quốc gia, lại chọn đúng thời điểm ấy để gọi anh trai mình là "một người con đáng hổ thẹn".

Tranh cãi giờ đã lan sang cả người ngoài, từ phó Tổng biên tập The Straits Times Ivan Fernandez cho tới Bộ trưởng bộ Thông tin Chính phủ Singapore Janadas Devan, cũng bị lôi vào cuộc, với những lời qua tiếng lại trên mạng xã hội liên quan tới vấn đề tự do ngôn luận.

Trong khi cốt lõi của sự việc đơn thuần chỉ xoay quanh việc làm giỗ đầu cho ông Lý Quang Diệu.

Thẳng thắn không đúng lúc

Bà Vỹ Linh khẳng định, cha mình chắc chắn sẽ không hài lòng với việc hình ảnh của ông được ban lãnh đạo Singapore "thần thánh hóa" qua buổi lễ tôn vinh quy mô trong ngày giỗ đầu.

Trên tư cách một công dân Singapore, bà Vỹ Linh có quyền không hài lòng với quyết định tổ chức tưởng niệm lãnh đạo Lý Quang Diệu của Thủ tướng Lý Hiển Long.

Trên danh nghĩa người một nhà, bà Vỹ Linh có quyền tranh luận với anh trai mình về khung cách tổ chức giỗ đầu cho người cha quá cố.

Nhưng cái cách mà bà thể hiện sự bất bình lại không hợp lẽ chút nào.

Lý Quang Diệu là một nhân vật của công chúng, điều đó là không phải bàn cãi. Nhưng việc tổ chức giỗ đầu cho ông như thế nào là vấn đề nội bộ gia đình, và tranh cãi xung quanh vấn đề nội bộ gia đình không có lý gì mà phải phơi ra cho bàn dân thiên hạ như vậy.


Gia đình Lý Quang Diệu khi xưa.

Gia đình Lý Quang Diệu khi xưa.

Nhưng thay vì giải quyết khúc mắc trong một bữa ăn gia đình thân mật nhân ngày giỗ cha, thì bà Vỹ Linh lại bê nguyên những tranh cãi ấy lên Facebook để ai cũng có thể thấy, kèm với đó là những lời lẽ vô cùng nặng nề.

Bà Vỹ Linh nói rằng bà là một người nói thẳng, nói thật, và không ngần ngại đưa ra quan điểm gây tranh cãi.

Nhưng theo cá nhân người viết, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khi sự phổ biến của mạng xã hội khiến ai cũng có khả năng thể hiện quan điểm, thì cái gọi là "thẳng thắn" ấy đã và đang trở thành cái cớ bị lạm dụng một cách vô tội vạ để bào chữa cho những phát biểu vô căn cứ và những lời phỉ báng.

Trước khi chọn Facebook làm nơi để "xả" nỗi bực dọc về cái cách mà ông Hiển Long tổ chức ngày giỗ đầu của cha mình, bà Vỹ Linh đã gửi một bài viết với nội dung tương tự tới ban biên tập The Straits Times, tờ báo lớn nhất Singapore, nhưng không được đăng tải.

"Tôi là Lý Vỹ Linh mà mọi người vẫn biết. Khi các bài viết của tôi được đăng tải sau khi đã bị Straits Times (ST) cắt gọt những ý chính, tôi đã trải qua một mối quan hệ trồi sụt với liên tiếp 3 người biên tập của ST.

Có lúc, bài viết của tôi đã được "giữ chỗ" trước, nhưng rồi người biên tập không thích những gì tôi viết, và tôi từ chối không chỉnh sửa theo yêu cầu, thế là cả bài viết bị gỡ bỏ...

Họ [những người biên tập] có thể đã nhận lệnh từ trên bắt phải cắt bỏ một số chi tiết, và quá sợ hãi không dám trái lệnh, và quá hổ thẹn để nói cho tôi biết sự thật." - bà Vỹ Linh viết trên Facebook cá nhân.

Trong tranh cãi giữa bà Vỹ Linh với ông Fernandez, còn một số cáo buộc khác được nêu ra như bà Vỹ Linh đã đạo văn, hay ông Fernandez đã vi phạm quyền tự do ngôn luận do cố ý cắt bỏ chi tiết trong bài mà không nói trước với bà Vỹ Linh, v.v.

Nhưng xin tạm gác lại vấn đề ai đúng ai sai trong tranh cãi này, bởi còn quá nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, song có một điều người viết có thể khẳng định: đó là bà Vỹ Linh đã SAI trong thời điểm và cách thức thể hiện cái sự "thẳng thắn" của mình.

Cha nào, con nấy, nhưng...

Sinh thời, ông Lý Quang Diệu cũng là một người cứng rắn và thẳng tính. Trong nửa thập kỉ nắm trong tay vận mệnh Singapore, ông luôn trung thành với triết lý điều hành đất nước của mình, và sẵn sàng phản bác thẳng thắn mọi chỉ trích.

Nhưng ông luôn biết làm điều đó trong khuôn khổ, chọn lọc thời điểm, để vẫn khiến những Henry Kissinger, những Margaret Thatcher, phải nể phục.

Bà Vỹ Linh kể lại rằng, xưa kia, cha từng gọi bà lại một góc và nói: "Vỹ Linh, trong 3 đứa, con giống cha nhất. Con thừa hưởng tất cả những tính cách cha sở hữu - nhưng những tính cách ấy lại bị đẩy lên quá mức đến nỗi chúng đã trở thành điểm yếu của con".

Và cũng như bao lần khác, Lý Quang Diệu lại đúng.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại