Giữa tháng 6/2017, nhiều tờ báo tại Việt Nam dẫn nguồn FPT Trading đã hoàn tất việc bán lại cho một DN nước ngoài là Synnex của Mỹ. Tập đoàn Synnex hoạt động có quy mô toàn cầu và có cùng ngành nghề với FPT Trading đó là chuyên phân phối.
Đến thời điểm hiện tại, chi tiết thương vụ vẫn chưa được công bố, nhưng với áp lực từ phía các cổ đông, hoạt động thoái vốn của FPT tại 2 FPT Trading và FPT Retail đang diễn ra gấp rút. Nhiều khả năng, cả 2 phi vụ thoái vốn của FPT sẽ hoàn tất trong năm nay.
Riêng với FPT Trading, sau nhiều năm là “con gà đẻ trứng vàng”, đóng góp hàng chục nghìn tỉ mỗi năm vào doanh thu của tập đoàn, đơn vị này đang xuống dốc không phanh khi không ứng phó kịp với sự thay đổi trong chính sách bán hàng từ hãng điện thoại.
Dù vẫn đứng đầu thị trường phân phối điện thoại tại Việt Nam, nhưng kể từ sau quý 4/2015, khi Apple đưa ra chính sách bán hàng mới, FPT Trading đã gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, FPT Trading không còn là đơn vị duy nhất có thể phân phối iPhone tại Việt Nam. Thế là lần lượt Thế giới di động, FPT Shop cho đến những nhà bán lẻ nhỏ hơn trên thị trường như CellphoneS, Viễn Thông A, Nhật Cường,… không cần phải nhập hàng qua FPT Trading nữa.
Mất đi lợi thế lớn từ “quả táo”, kết quả kinh doanh của FPT Trading ngay lập tức bị ảnh hưởng. Sang năm 2016, Microsoft còn ra thêm một thông báo ngừng kinh doanh các sản phẩm điện thoại thương hiệu Lumia, hai yếu tố trên kết hợp lại đã biến 2016 trở thành năm kinh doanh bết bát nhất trong lịch sử FPT Trading.
Năm kinh doanh bết bát nhất trong lịch sử FPT Trading, tỉ lệ đóng góp vào lợi nhuận của mảng di động giảm 90%
Lợi nhuận trước thuế cho mảng kinh doanh di động của FPT Trading đã bốc hơi tới 90%, chỉ còn hơn 30 tỉ so với trung bình trên 300 tỉ các năm trước đó. Từ vị thế con gà đẻ trứng vàng, FPT Trading bỗng trở thành gánh nặng của tập đoàn FPT khi biên lợi nhuận của mảng phân phối vốn đã mỏng lại tiếp tục bị bào mỏng hơn.
2 chiến lược được đề ra
Trên thực tế, sự sa sút của FPT Trading cũng là sự sa sút của ngành hàng phân phối điện thoại nói chung ở Việt Nam. Hiện tại, cả Apple, Samsung, Oppo đều chỉ định đại lý nhập hàng trực tiếp (riêng Apple vẫn qua cả nhà phân phối lẫn bán lẻ).
Một số thương hiệu nhỏ hơn như HTC, Sony, LG cũng chỉ để một phần nhỏ hàng qua nhà phân phối, còn lại cũng đổ bộ trực tiếp vào các đại lý.
Chính sự phát triển của những chuỗi lớn đồng nhất như Thế giới di động, FPT Shop đã gạt bỏ vai trò của đơn vị trung gian là FPT Trading. Bài toán của nhà phân phối di động lớn nhất Việt Nam hiện tại, đó là làm thế nào để tiếp tục sinh tồn.
Bản thân FPT Trading đã có những sự điều chỉnh trong chiến lược hoạt động, nhằm giảm bớt đi tính rủi ro của hoạt động phân phối. Cụ thể, FPT Trading đặt ra 2 chiến lược trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong ngắn hạn, FPT Trading đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển trên các kênh bán hàng online. Hiện tại, một số trang TMĐT lớn như Lazada hay Tiki vẫn nhập hàng từ FPT Trading, sau đó bán và giao lại.
Ngoài ra, FPT Trading còn đang đóng vai trò như một gian hàng. Sau cái bắt tay hợp tác với “gà nhà” vnexpress, FPT Trading hiện đang bày bán các sản phẩm của mình trên vnexpress shop.
Có thể thấy, FPT Trading đang chuyển hướng kinh doanh không chỉ là b2b (làm đại lý phân phối xuống các cửa hàng) nữa, mà còn mở rộng sang cả lĩnh vực b2c (bán trực tiếp cho người dùng).
FPT Trading cũng mở một gian hàng trên sàn TMĐT, bán tới người dùng cuối
Cơ cấu hàng hóa cũng đang được FPT Trading điều chỉnh lại. Với việc thị trường bán lẻ di động tại Việt Nam bị đánh giá là đang gần tới trạng thái bão hòa, FPT Trading sẽ đẩy mạnh mảng phân phối hàng công nghệ, bao gồm máy tính và Laptop, lĩnh vực vẫn tăng trưởng nhẹ trong những năm qua.
Về chiến lược dài hạn, FPT Trading sau khi hoàn tất thương vụ với nhà phân phối Synnex, sẽ mở rộng địa bàn kinh doanh của mình ra ngoài phạm vi Việt Nam, mục tiêu hướng tới là phân phối hàng cho toàn khu vực Đông Nam Á.
Dù triển vọng thị trường không tốt, nhưng theo các chuyên gia, những khó khăn của thị trường đã được phản ánh hết vào kết quả kinh doanh năm 2016. Công ty chứng khoán Bản Việt đánh giá, lợi nhuận của FPT Trading trong năm nay sẽ được cải thiện, tăng trưởng 29% so với năm 2016, đạt 368 tỉ đồng.