Trong tiếng nhạc vui nhộn, các cô giáo trong lớp học Tương lai mới (Đông Anh, Hà Nội) đang hướng dẫn các bé học múa.
Có bạn đứng đung đưa được vài giây thì quay ra chạy quanh lớp 1 vòng, có bé chừng 5-6 tuổi, cao lớn, nhưng vẫn đứng im thin thít, thỉnh thoảng lại cười ngô nghê.
Một tiết học vận động trong lớp học Tương lai mới.
Lớp học chỉ có 8 học sinh, nhưng 3 cô giáo phải quay như chong chóng mới có thể chỉnh cho con cách đứng, động tác tay chân, dỗ dành, thay quần áo cho các con.
Đó là cảnh tượng trong một tiết học vận động của các học sinh lớp can thiệp sớm dành cho trẻ chậm phát triển, tự kỷ từ 2-6 tuổi của cô Lương Thị Bích Hạnh.
Có lẽ, nếu là người lần đầu tiên đến với lớp học, hẳn sẽ lúng túng trong việc chơi với các bé, nhưng với các cô giáo trong lớp học Tương lai mới, đây đã là công việc thường ngày.
Mỗi lớp học chỉ có từ 7-8 trẻ, nhưng mỗi trẻ lại có tính cách khác nhau, một biểu hiện đặc biệt. Có trẻ cả ngày cười không ngớt, có trẻ lại thờ ơ vô cảm, có trẻ chậm nói… Do đó, với mỗi con, cô Hạnh lại phải có những phương pháp giáo dục đặc biệt, khác nhau.
Cô Hạnh kể: “Có con ở những dạng nặng, dù đã rất lớn, nhưng vẫn rất vô thức trong những việc như đi vệ sinh. Nếu đến một ngày đẹp trời, bỗng dưng, con gọi cô đòi đi tè, đi ị là cô mừng rơi nước mắt rồi”.
Lại có trẻ khi được bố mẹ đưa đến, dù đã gần 2 tuổi, nhưng vẫn chưa biết cầm nắm bất cứ vật gì, hay đến 4 tuổi, nhưng con vẫn không có những cử động mắt, giao tiếp bằng mắt với người khác. Khi được hỏi, con chỉ im thin thít, không chút phản xạ.
Không chỉ có những biểu hiện về mặt nhận thức, hành vi, mà các con còn rất nhạy cảm với thời tiết.
Có con khi chuyển mùa là đã khó ăn, khó ngủ, quấy khóc, có bé bứt rứt khó chịu, nên liên tục đập đầu vào tường, cô phải ôm ấp, xoa lưng, vỗ về để con bớt căng thẳng hơn.
Giáo dục chưa bao giờ là việc dễ dàng, với công việc dạy những trẻ đặc biệt lại càng thách thức hơn rất nhiều. Bởi vậy, không ít người đã từng thắc mắc rằng, tại sao cô Hạnh lại tự đi con đường khó?
Cô Hạnh chia sẻ: “Đến với trẻ đặc biệt không chỉ bằng tình thương, mà còn như một niềm đam mê. Càng gắn bó với các bé, mình lại thêm nhận ra ý nghĩa và hạnh phúc từ cuộc sống”.
Theo cô Lương Thị Bích Hạnh, điều quan trọng nhất để gắn bó với nghề bên cạnh kiến thức chuyên môn là tình yêu trẻ, yêu nghề. Khi có đủ những điều đó, thì khó đến mấy cũng sẽ vượt qua.
Tình yêu ấy, không tự nhiên đến, mà nó được vun đắp từng ngày qua quá trình cô được tiếp xúc với trẻ tự kỷ ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 2, khoa Tâm lý giáo dục, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội.
Càng ngày, cô càng nhận ra rằng, xung quanh có nhiều trẻ tự kỷ, nhưng chưa được can thiệp sớm dẫn đến tình trạng ngày càng nặng thêm.
Những thực tế ấy đã thôi thúc cô giáo trẻ quyết định mở cơ sở hỗ trợ trẻ đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có cơ hội được can thiệp sớm.
Từ ý tưởng đến thực thi là cả một quá trình dài và lắm gian nan, trong hơn chục năm ra trường gắn bó với công việc chăm sóc trẻ tự kỷ, cũng đã không ít lần cô Hạnh cảm thấy mệt mỏi, nhưng rồi, đam mê, lòng yêu trẻ lại thôi thúc cô tiếp tục cố gắng để hỗ trợ, can thiệp giúp các con phát triển bình thường, hòa nhập với cuộc sống.
Niềm vui ngày 20/11 là được con gọi "cô ơi"
tên nhân vật đã được thay đổiHơn chục năm trong nghề với biết bao kỷ niệm, cô Hạnh có những nỗi niềm mà chỉ có những giáo viên dạy trẻ tự kỷ mới có thể thực sự thấu hiểu.
Cũng là giáo viên, nhưng ngày 20/11 của cô giáo tại lớp học Tương lai mới không có những buổi meetting rầm rộ, cũng rất hiếm khi được nhận hoa, thiệp chúc mừng từ học trò.
"Với những giáo viên khác, ngày này, còn được các con tự tay tặng hoa, hay vẽ tranh, viết thiệp tặng cô, nhưng với các bé ở lớp học đặc biệt này thì rất khó để các con làm được điều đó.
Có con mang hoa đến tặng cô, nhưng phải có bố mẹ ở bên nhắc từng từ, cầm tay con để tặng hoa cô".
Vào những ngày này, không khí lớp học đặc biệt cũng không mấy nhộn nhịp hơn ngày thường, nhưng với những giáo viên như cô Hạnh, món quà lớn nhất là được nhìn thấy tình trạng các con có những biến chuyển.
"Có lần được các con sau khi phục hồi, quay lại tặng hoa cô, cô nhìn con mà mừng lắm, mừng đến rơi nước mắt. Rồi bỗng nhiên được nghe các con chậm nói gọi một tiếng cô ơi, là hạnh phúc lắm rồi", cô Hạnh kể lại với giọng sung sướng.
Có lẽ vui buồn ngày Nhà giáo không phải là nỗi trăn trở với cô Lương Thị Bích Hạnh, điều cô lo lắng nhất là làm sao để các con có thể hòa nhập cộng đồng.
Câu chuyện về ngày 20/11 dường như bị cô Hạnh quên hẳn để rồi cô nói liên hồi về cuộc sống và những gì mà trẻ tự kỷ phải trải qua. Cô thương các con, nhưng cũng thương phụ huynh không kém.
Cô Hạnh cho biết, chỉ cách Hà Nội đúng một cây cầu, song đa phần phụ huynh trong lớp học Tương lai mới tại huyện Đông Anh của cô đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bố mẹ các con thường là công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, họ phải tăng ca cả ngày đêm, làm thuê đủ thứ để có tiền cho con theo học.
Thậm chí, có những gia đình, con đã 6 -7 tuổi vẫn không dám sinh con thứ 2, vì kinh tế quá khó khăn.
Cô Hạnh vẫn nhớ mãi trường hợp của cháu Bi (tên nhân vật đã được thay đổi), dù đã hơn 6 tuổi, nhưng con vẫn chưa thể đi học như bao bạn bè đồng trang lứa khác: "Bố Bi cũng không được bình thường, nhanh nhẹn, anh không có khả năng lao động.
Mọi việc từ chăm sóc, đến học tập của Bi đều trông chờ cả vào đồng lương từ công việc bảo vệ của ông nội Bi đã già yếu".
Hay trường hợp gia đình của bé Bốp () cũng hết sức khó khăn. Để chạy chữa cho con, bố mẹ Bốp phải từ Nghệ An ra Hà Nội thuê nhà, làm thuê kiếm ăn từng bữa để hỗ trợ cải thiện tình trạng cho con.
Chia sẻ và đồng cảm với nỗi niềm của phụ huynh, nên bao năm qua, mặc dù như cô Hạnh nói "mở trường không có lãi" chỉ đủ trả lương giáo viên và mua dụng cụ học tập nhưng hiện học phí của lớp chỉ duy trì ở mức tối thiểu, chưa bằng 1/3 các trường trong nội thành để tạo cơ hội nhiều hơn cho những gia đình nghèo không may mắn được đưa con đến can thiệp sớm./.