Tại Nhật Bản, nhân viên không bị sa thải vì đại dịch
Nằm trong vùng núi Nagano (Nhật Bản), các nhân viên của Ina Food Industry Co. bắt đầu ngày mới bằng việc dọn dẹp khu vườn xung quanh các tòa nhà và nhà máy của họ. Như thường lệ, người đứng đầu công ty – Hiroshi Tsukakoshi (82 tuổi) sẽ đến chào hỏi nhân viên, nhắc nhở họ về ý thức cộng đồng và an ninh mà ông đã tạo ra trong 6 thập kỷ qua – khoảng thời gian chưa có nhân viên nào bị sa thải. Hiện tại, ông cũng chưa có kế hoạch cắt giảm nhân sự, ngay cả khi Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.
Tsukakoshi đã nói với khoảng 500 nhân viên của mình rằng công việc của họ đều an toàn. Dù doanh thu dự kiến sẽ giảm khoảng 15% trong năm nay, nhưng họ vẫn nhận được khoản tăng lương hàng năm và tiền thưởng vào mùa hè như bình thường. Ông nói: "Nếu một công ty phát triển trong sự biến động, mọi người sẽ bắt đầu sợ hãi về việc khi nào họ sẽ bị sa thải. Bạn phải duy trì sự phát triển để trấn an họ."
Cách tiếp cận đó đã tạo ra Ina Food – công ty sản xuất một hợp chất gần giống gelatin từ tảo, có tên là agar. Công ty này được coi là một tấm gương sáng cho sự thành công trong một nền kinh tế tăng trưởng trì trệ của Nhật Bản. Akio Toyoda – chủ tịch của Toyota, đã đến thăm Ina Food và giới thiệu cuốn sách mà ông Tsukakoshi viết về cách quản lý doanh nghiệp.
Ina Food đại diện cho một điều gì đó có phần lý tưởng hóa của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, mang lại sự lạc quan cho một thế giới có thể đang trong xu hướng đi xuống do mức nợ cao, những gói kích thích không ngừng được đưa ra và tăng trưởng mất đà. Sau 30 năm ổn định, Nhật Bản vẫn tự hào là một trong những quốc gia có mức sống tốt nhất trong số các nền kinh tế phát triển và tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 2,9% vào tháng 7.
Hiroshi Tsukakoshi.
Trong thời gian gần đây, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu coi Nhật Bản là câu chuyện khiến họ cảnh giác, chứ không còn là hình mẫu về kinh tế. Nhưng khi đại dịch khiến hàng chục triệu việc làm trên khắp thế giới bị mất, quan điểm trên đã thay đổi. Một số nhà kinh tế học đang cân nhắc liệu mô hình ở Nhật Bản có phải là khuôn mẫu phù hợp với điều kiện hiện tại hay không.
Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn diễn ra, hàng nghìn công ty đã có thể mở cửa và giữ chân nhân viên, nhờ điều kiện đi vay dễ dàng và văn hóa gắn bó lâu dài. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Lawrence Summer, nhận định các nhà phân tích nên hạ quan điểm xuống một chút bởi xu hướng tăng trưởng chậm chạp, lãi suất thấp của Nhật Bản cũng chính là điều đang diễn ra ở châu Âu và Mỹ.
Góc tối của câu chuyện tăng trưởng ở Nhật Bản, có thể là xu hướng mà cả thế giới sẽ chứng kiến
Tuy nhiên, câu chuyện ở Nhật Bản có 1 khía cạnh khác gay gắt hơn. Đối với hầu hết người lao động ở Nhật Bản được hưởng chế độ "bảo toàn công việc" – vốn là điều xa vời với các quốc gia phát triển khác, thì có một số người vẫn phải chật vật với công việc được trả lương thấp, mà không được bảo vệ.
Tatsumi (36 tuổi), một người mẹ đơn thân, chính là một ví dụ. Chị đã mất đi công việc làm rửa bát của mình vào tháng 6, khi đại dịch khiến nhà hàng chị làm việc phải đóng cửa. Chị được trả mức lương 1.000 yen (9,46 USD)/tiếng. Tatsumi chia sẻ: "Họ coi tôi như một con tốt thí khi công việc kinh doanh thuận lợi."
Tatsumi là một phần thuộc tầng lớp thấp của Nhật Bản. Trong nhiều thập kỷ kinh tế phát triển trì trệ, các công ty đã phải sử dụng đến nhân viên làm việc bán thời gian và lao động thời vụ để cắt giảm chi phí. Được biết đến là những lao động làm việc không liên tục, ít được đảm bảo việc làm và ít phúc lợi, nhóm này chiếm khoảng 40% lực lượng lao động Nhật Bản và 70% số đó là phụ nữ.
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe trước khi từ chức đã nói rằng tỷ lệ lao động nữ - 71% đối với người từ 15-64 tuổi vào năm 2019 là một thành công quan trọng trong chính sách kinh tế của ông. Tuy nhiên, do cuộc dịch bệnh, số lượng việc làm của lao động không thường xuyên giảm hơn 1 triệu trong nửa đầu năm nay, ngay cả khi việc làm thường xuyên tăng 450.000 do các công ty tìm cách giữ chân nhân viên.
Từ lâu, năng suất làm việc và sự đổi mới ở Nhật Bản đã tụt hậu so với những nước lân cận như Hàn Quốc và Trung Quốc. Một loạt các biện pháp kích thích tiền tệ, chương trình chi tiêu của chính phủ cũng không thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững, và khiến Nhật Bản phải gánh khoản nợ công lớn nhất thế giới.
Câu hỏi quan trọng hiện nay là: Liệu chiến lược kinh tế của Nhật Bản có giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình đứng ở vị thế tốt hơn để thúc đẩy sự hồi phục khi dịch bệnh được ngăn chặn?
Một đặc điểm khác biệt của nền kinh tế Nhật Bản là, dù chính phủ đi vay, nhưng các công ty lại làm ngược lại. Lợi nhuận giữ lại (retained earning) của các doanh nghiệp ở mức 459 tỷ yen vào cuối tháng 6, tương đương hơn 90% GDP, tăng 72% kể từ quý IV/2008.
Trong khi đó, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trên toàn cầu. Khi đại dịch vẫn hoành hành, các chính phủ đang chịu áp lực phải tăng quy mô của gói kích thích hàng nghìn tỷ USD. Theo dự báo, nợ công của Mỹ sẽ vượt qua mức kỷ lục trong những năm sau Thế chiến II vào năm 2023. Nợ của chính phủ Anh tăng trên 100% GDP vào tháng 5, lần đầu tiên kể từ năm 1963. Tại Nhật Bản, tỷ lệ nợ/GDP hiện đã vượt mức 200%, chính phủ nước này cho rằng ít nhất đến cuối thập kỷ này ngân sách mới được cân bằng.
Quay trở lại với Ina Food, công ty nắm giữ khối tiền mặt đủ để giữ chân nhân viên trong năm nay. Họ có thể làm được điều này vì là 1 công ty tư nhân, không cần trả cổ tức cho cổ đông. Ngược lại, nhiều công ty niêm yết đã phải chi rất nhiều tiền. Akinobu Ogata – chủ tịch của công ty chuẩn bị niêm yết Nitto Kohki, phải đối mặt với áp lực lớn từ phía cổ đông trong việc sử dụng lượng tiền mặt dồi dào để tăng cổ tức.
Đầu những năm 1990, kinh tế Nhật Bản ở tình trạng bùng nổ. Các công ty tại đây vẫn ráo riết tìm mua những khu bất động sản đắt đỏ trên khắp thế giới, như Pebble Beach Golf Links và Rockefeller Center. Cuối năm 1989, chỉ số Nikkei chạm đỉnh ở mức gần 40.000 điểm và sau đó lao dốc khi bong bóng tài sản vỡ tung, kéo tụt giá bất động sản. Sau đó, toàn bộ nền kinh tế bắt đầu sụp đổ, trong khi những "con hổ" châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc lại trỗi dậy.
Giờ đây, Nhật Bản chỉ như mọi quốc gia bình thường trong khu vực, khi chuỗi cung ứng gắn chặt với Trung Quốc. Khi việc nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc bị gián đoạn vào cuối tháng 1, Nitto Kohki bắt đầu tìm những công ty thay thế ở khu vực Ota của Tokyo. Họ đã phải tìm đến sự giúp đỡ của Johnan Shinkin Bank.
Cùng với việc tận dụng các khoản vay được chính phủ hậu thuẫn để "cứu" các doanh nghiệp, Johnan Shinkin đã hướng dẫn các lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng các biện pháp như phát tiền mặt và cung cấp trợ cấp để duy trì việc làm. Nguồn tiền rẻ và dồi dào từ BOJ giúp những nhà băng nhỏ có thể giữ hạn mức tín dụng cho người đi vay, dù lãi suất thấp gây tổn hại đến lợi nhuận của chính Johnan Shinkin.
Chưa dừng ở đó, đại dịch còn khiến các vấn đề đã tồn tại ở đây còn trầm trọng hơn. Cũng như ở những khu vành đai của Mỹ hoặc châu Âu, các nhà sản xuất của Nhật Bản gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi khác như Trung Quốc có chi phí lao động và sản xuất rẻ hơn. Chẳng hạn, số lượng nhà máy ở Ota đã đã giảm từ mức đỉnh là 5.120 vào năm 1983 xuống chỉ còn hơn 1.200 vào năm 2018.
Việc chính phủ đẩy mạnh chi tiêu tài khóa được hỗ trợ bởi động thái mua trái phiếu với quy mô không giới hạn của NHTW – điều đã xảy ra ở châu Âu và Mỹ, cùng các nền kinh tế phát triển, mới nổi khác. Giống như các NHTW khác, BOJ mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, có nghĩa là họ không trực tiếp hỗ trợ tài chính cho thâm hụt của chính phủ. Tuy nhiên, sự kích thích dường như vô tận này không nhất thiết phải được "nhân rộng", bởi hầu hết các quốc gia khác không có quỹ tiết kiệm lớn hay vị thế như Nhật Bản.
Đối với những nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, một trong số ít điều rõ ràng đó là họ sẽ phải gánh mức nợ kỷ lục và phải đối mặt với những điều chỉnh khẩn cấp trong chính sách ở nhiều năm tới, khi tìm cách hồi phục. Summers cho hay: "Sự trì trệ sẽ tiếp tục tác động đến tình trạng ‘Nhật Bản hóa’ của nền kinh tế toàn cầu." 30 năm lịch sử kinh tế của Nhật Bản đã cho thấy điều đó trông như thế nào.
Tham khảo Bloomberg