Khách hàng xem những chiếc vòng tay bằng vàng trong cửa hàng ở Baramulla, bang Jammu-Kashmir. Ảnh: AFP
Ngành công nghiệp trang sức vàng trị giá 60 tỷ USD của Ấn Độ đang rơi vào hỗn loạn sau khi chính phủ Thủ tướng Narendra Modi bất ngờ áp đặt các quy tắc đánh dấu mới trên vàng.
Đánh dấu vàng ở Ấn Độ thể hiện sự tinh khiết, nhà kim hoàn, trung tâm đánh dấu, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) và được quốc tế công nhận.
Vấn đề nằm ở một tiêu chuẩn mới, được gọi là Định danh Duy nhất Dấu hiệu (HUID), có hiệu lực từ tháng 7. Theo đó, hàng nghìn doanh nghiệp vàng nhỏ lần đầu tiên phải đánh dấu ký hiệu trên sản phẩm của mình, gây ra những tắc nghẽn rất lớn.
Các nhà kim hoàn nói rằng ngành công nghiệp vàng có thể sụp đổ do một quy trình phức tạp, trong đó mỗi mặt hàng, chỉ nặng từ 2 gam trở lên, phải được tải lên một cổng thông tin kèm theo trọng lượng và đề nghị đánh dấu.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng lúc này đang bị tồn đọng hàng triệu USD vàng mà họ không thể bán trong lúc chờ đợi, có thể kéo dài hơn một năm, để được đánh dấu. Thương nhân vàng ở các vùng sâu vùng xa còn gặp trở lại khi tải thông tin chi tiết lên mạng do kết nối kém và không rành về công nghệ.
Người mua sắm mua trang sức vàng cho lễ hội Diwali của người Hindu. Ảnh: AFP
Vàng giữ vai trò trung tâm trong văn hóa Ấn Độ như một món đồ tích trữ tài sản giá trị, một biểu tượng của sự giàu có, địa vị và là một phần cơ bản của nhiều nghi lễ. Đất nước này là một trong những thị trường vàng lớn nhất toàn cầu và ngành công nghiệp vàng càng phát triển mạnh do tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu mua.
Trao tặng vàng cũng là một phần quan trọng trong nghi lễ kết hôn. Các đám cưới đóng góp khoảng một nửa nhu cầu vàng ở Ấn Độ.
Các quy tắc mới quy định ký hiệu trên vàng là một mã gồm sáu chữ số, giúp xác định thợ kim hoàn và trung tâm đã đánh dấu trang sức. Chính phủ cho biết họ đưa ra các biện pháp này để giám sát các trung tâm đánh dấu vàng và hệ thống mới sẽ là một công cụ quan trọng trong việc theo dõi đồ trang sức vì mỗi món đồ từ nay sẽ mang mã số.
Đánh dấu vàng cũng bảo vệ người tiêu dùng khỏi tình trạng gian lận về trọng lượng và độ tinh khiết. Hiện có khoảng 860 trung tâm đánh dấu vàng đang hoạt động ở Ấn Độ.
Chính phủ đã ra lệnh bắt buộc tất cả các tiệm kim hoàn, ngoại trừ một số ít có doanh thu thấp, phải đánh dấu trang sức vàng từ ngày 16/6.
Lâu nay các thợ kim hoàn thủ công, lực lượng đại diện cho một phần lớn của ngành kinh doanh vàng, vẫn ủng hộ việc đánh dấu nhưng cho biết doanh nghiệp của họ đang trên bờ vực sụp đổ do những quy tắc mới.
Dinesh Jain, giám đốc của Hội đồng Đá quý và Trang sức Toàn Ấn Độ (GJC), cho biết: “Kho dự trữ hiện có khoảng 50 triệu món trang sức bắt buộc phải được đánh dấu. Với công suất hiện tại của các trung tâm khắc dấu, 100.000 chiếc mỗi ngày, sẽ mất khoảng 500 ngày, tương đương 18 tháng để đánh dấu được lượng hàng hiện có”.
“Ở công suất cao nhất của các trung tâm đánh dấu, cũng sẽ cần 250 ngày, tương đương với 9 tháng để đánh dấu lượng vàng hiện có. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của ngành công nghiệp,” ông Jain cảnh báo.
Thợ kim hoàn trong một cửa hàng trang sức ở Srinagar. Ảnh: AFP
Cho đến cuối năm 2015, thị trường trang sức vàng của Ấn Độ vẫn chủ yếu được thống trị bởi các nhà sản xuất trang sức nhỏ, vốn là những nhà chế tác trang sức không có tổ chức, hoạt động ngay tại cửa hàng riêng.
Nhưng điều này đang thay đổi và các báo cáo gần đây cho biết khu vực kinh doanh vàng có tổ chức hiện chiếm hơn một nửa thị trường. Thị phần tăng chủ yếu do quá trình phi tiền tệ hoá đối với vàng vào năm 2016, việc thực hiện đánh thuế hàng hóa và dịch vụ vào năm 2017 và những thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng đối với đồ trang sức được đánh dấu.
Các nhà kim hoàn nói rằng theo quy định mới, bất kỳ đồ trang sức nào trên 2 gam đều phải có dấu hiệu HUID.
“Chúng tôi không phản đối việc tạo dấu hiệu nhận biết, đây thực sự là một bước tiến tuyệt vời và vì lợi ích của người tiêu dùng, nhưng việc bắt buộc đánh dấu ID của trang sức thì không hoàn toàn được chúng tôi chấp nhận”, các nhà kim hoàn cho biết.
Một nghệ nhân làm đồ trang sức tại xưởng trang sức vàng ở Srinagar. Ảnh: AFP
Fatehchand Ranka, một thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Đánh dấu sản phẩm, cho biết hệ thống mới là "vô tích sự". Theo ông, các nhà kim hoàn không muốn bị lôi kéo vào quy trình quản lý HUID, một quy trình không liên quan đến độ tinh khiết của sản phẩm.
Yogesh Singhal, Chủ tịch Liên đoàn Vàng bạc đá quý toàn Ấn Độ, thì cho biết hệ thống cũ đã được sử dụng trong 20 năm là tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu. “Tôi không hiểu, những lỗi của hệ thống đánh dấu trước đây là gì và tại sao hệ thống đánh dấu mới, rồi HUID và thủ tục của nó lại cần đến”, ông Singhal nói.
"Nếu có bất kỳ lỗi nào của hệ thống trước đó, ai sẽ chịu trách nhiệm cho hàng triệu món đồ trang sức đã được đánh dấu trước đây, những món sẽ còn được lưu hành trong nhiều thập kỷ, và ai sẽ là nạn nhân của những sai lầm đó?", ông Singhal đặt câu hỏi.