Ngành thuế thanh tra và buộc truy hoàn và phạt hơn 362 tỷ đồng thuế GTGT

Anh Minh |

Tổng cục Thuế đang quyết liệt đấu tranh với thủ đoạn doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào nhằm lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu. Kết quả, lũy kế từ đầu năm 2022, tổng số thuế truy hoàn và xử phạt là 362,594 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp với kế hoạch của cơ quan thuế cấp trên và cơ quan chức năng khác theo quy định.

Theo đó, các Cục Thuế tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp của doanh nghiệp để xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo qui định.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, thực hiện đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn để thực hiện thanh tra, kiểm tra 100% trong vòng một năm (kể từ thời điểm hoàn thuế) đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao, nhất là với hoàn thuế xuất khẩu một số mặt hàng như: Tinh bột sắn, cao su, hạt điều, dăm gỗ, nông sản,…

Bên cạnh đó, ngành thuế đã tăng cường rà soát các trường hợp có rủi ro cao trong hoàn thuế GTGT để đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra trước và sau hoàn thuế GTGT; tiếp tục xây dựng hệ thống ứng dụng theo dõi kết quả xác minh hóa đơn giữa các cơ quan thuế theo hướng điện tử, gắn chữ ký số, ban hành văn bản chỉ đạo...

Các hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT được ngành thuế nhận diện và triển khai đấu tranh ngăn chặn. Đó là việc các doanh nghiệp trực tiếp hoàn thuế GTGT (gọi tắt là F0) tiến hành với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, có tổ chức.

Cụ thể, các doanh nghiệp này sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào nhằm lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu như việc ký kết hợp đồng giữa F0 với các doanh nghiệp trung gian (gọi tắt là F1, F2, F3...) diễn ra tại các địa phương, hàng hóa mua bán qua nhiều khâu trung gian, diễn ra lòng vòng, giao dịch thanh toán qua ngân hàng và được các đối tượng giao dịch chuyển khoản và rút tiền mặt ngay trong ngày.

Trong đó, một thủ đoạn được các doanh nghiệp F1, F2, F3 (được thành lập trong thời gian ngắn) sử dụng là di chuyển địa điểm liên tục hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh,...

Điển hình là đã có một số trường hợp gian lận trong hoàn thuế diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, Lạng Sơn. Cục Thuế tỉnh Đồng Nai và Lạng Sơn đã ban hành quyết định truy hoàn với tổng số tiền truy hoàn và chậm nộp 278,36 tỷ đồng, đồng thời cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật.

"Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hơn nữa trong công tác phòng ngừa và đấu tranh các hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế GTGT thông qua việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao trong hoàn thuế GTGT", đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại