Theo thống kê, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán (đã bao gồm trích lập dự phòng) tại thời điểm 30/6 ước tính lên đến 110.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ so với cuối quý 1.
Đây là mức tồn kho kỷ lục của ngành thép từ trước tới nay, vượt xa đỉnh cũ hồi cuối quý 3 năm ngoái. Như vậy, sau 4 quý liên tiếp chững lại quanh mức 85.000 – 90.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh tích trữ tồn kho trong quý vừa qua.
Tồn kho ngành thép tăng vọt trong quý 2
Trong tổng lượng tồn kho khổng lồ của ngành thép vào cuối quý 2, chỉ riêng Hòa Phát (mã HPG) đã chiếm quá nửa với hơn 57.500 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 762 tỷ đồng). Con số này đã tăng 17.500 tỷ so với thời điểm cuối quý trước và cao hơn 11.500 tỷ so với đỉnh cũ hồi cuối quý 3 năm ngoái.
Thời điểm cuối quý 2, tồn kho của 15 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm đến 95% tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép, trong đó có 10 cái tên ghi nhận giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh Hòa Phát, Hoa Sen Group (mã HSG) là cái tên duy nhất trong ngành thép có lượng tồn kho đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Phần lớn các doanh nghiệp thép đều tăng tích trữ tồn kho trong quý 2, tuy nhiên giá trị tăng xét theo số tuyệt đối không quá lớn ngoại trừ Hòa Phát. Trong số những doanh nghiệp còn lại, duy nhất chỉ có Thép Việt Nam (VNSteel – mã TVN) ghi nhận mức tăng hơn nghìn tỷ tồn kho trong quý vừa qua.
Phần lớn lượng tồn kho tăng thêm đến từ Hòa Phát
Tồn kho ngành thép tăng vọt trong bối cảnh giá thép liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 5. Theo Trading Economics, giá thép cây tại thị trường thế giới thời điểm 30/6 đã giảm khoảng 13% so với mức cao nhất trong quý 2 và thấp hơn gần 25% so với đỉnh.
Xu hướng vẫn tiếp diễn khiến giá thép cây có thời điểm đã chạm 3.900 CNY/tấn, thấp nhất kể từ tháng 11/2020 trước khi hồi phục lên hơn 4.100 CNY/tấn vào cuối tháng 7.
Giá thép thế giới giảm sâu
Tương tự, giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng đã giảm gần 40% trong quý 2 vừa qua và vẫn đang tiếp tục dò đáy. So với đỉnh hồi quý 3 năm ngoái, giá HRC đến thời điểm hiện tại đã giảm đến 56%.
Nguyên nhân chủ yếu do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới, và đặc biệt là do nhu cầu yếu ở Trung Quốc trước tình hình giãn cách xã hội, thời tiết bất lợi và thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại do lãi suất tăng.
Giá HRC vẫn dò đáy
Không nằm ngoài xu hướng trên, giá thép nội địa cũng đã giảm liên tiếp 11 lần trong gần 3 tháng với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,9 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép, vùng miền. Mirae Asset cho rằng việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép giảm từ đầu tháng 6.
Lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục là 1,49 triệu tấn tương đương sản lượng tháng 5/2022, cao hơn nhiều so với mức 56% sản lượng tháng trung bình 3 năm 2019-2021.
Giá thép liên tục giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến bức tranh lợi nhuận ngành thép. Hầu hết các doanh nghiệp thép đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý 2 vừa qua, thậm chí lỗ như VNSteel hay Thép Thủ Đức (mã TDS).
Doanh nghiệp đầu ngành là Hòa Phát báo lãi quý 2 giảm 59% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp như Hoa Sen Group, Thép SMC (mã SMC), Kim khí Tp.HCM (mã HMC), Thép Thái Nguyên (mã TIS), Thép Mê Linh (mã MEL),... thậm chí còn giảm đến hơn 80%.
Lợi nhuận ngành thép giảm sâu trong quý 2
Cùng chiều với giá thép, giá nguyên liệu đầu vào cũng có xu hướng giảm thời gian gần đây. Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc hiện ở mức 320 USD/tấn, giảm mạnh so với mức 520 USD/tấn hồi tháng 4/2022. Giá quặng sắt giữa tháng 7 chỉ còn 113 USD/tấn, giảm 33,75 USD/tấn so với đầu tháng 6/2022 và giảm khoảng 100 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2022.
SSI Research cho rằng nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể sẽ giúp giảm chi phí sản xuất trong các quý tiếp theo qua đó hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận ngành thép trong ngắn hạn. Mặt khác, giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho.
Theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận năm 2022 của HPG có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm.
Lợi nhuận dự phóng năm 2022 của HSG cũng giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Tương tự với NKG, lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng.