Ngành quốc phòng Mỹ căng sức sản xuất vũ khí: Quá muộn cho giai đoạn quyết định ở Ukraine?

Bảo Hà |

Để duy trì việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và xây dựng lại kho dự trữ của riêng mình, Lầu Năm Góc buộc phải lên kế hoạch chạy đua tái vũ trang, bắt tay vào đợt gia tăng sản xuất đạn dược lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Ngành quốc phòng Mỹ căng sức sản xuất vũ khí: Quá muộn cho giai đoạn quyết định ở Ukraine? - Ảnh 1.

Vỏ đạn pháo 155mm được đúc bên trong nhà máy Scranton. Ảnh: CNN

Bên trong một nhà máy rộng lớn ngay gần đường cao tốc President Biden ở trung tâm thành phố Scranton, bang Pennsylvania, những quả đạn pháo nóng hổi được đưa ra khỏi lò, hướng về một tương lai phục vụ cho cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Với công suất ngày đêm, nhà máy sản xuất đạn dược lục quân Scranton dự định đạt sản xuất khoảng 11.000 quả đạn pháo/tháng. Thoạt nghe con số đó có vẻ là nhiều nhưng số đạn đó chỉ đủ để quân đội Ukraine bắn trong vài ngày.

Để đáp ứng nhu cầu trên, nhà máy Scranton đang được mở rộng quy mô bằng hàng triệu USD từ khoản chi tiêu quốc phòng mới của Lầu Năm Góc. Xưởng vũ khí này đang đầu tư vào máy móc công nghệ cao mới, thuê thêm vài chục công nhân và cuối cùng sẽ chuyển sang lịch trình sản xuất liên tục 24/7.

Theo đài truyền hình CNN, trong năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã chi khoảng 50 tỷ USD viện trợ và thiết bị cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, động thái đó đã đẩy kho dự trữ vũ khí của Mỹ đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Để duy trì việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và xây dựng lại kho dự trữ của riêng mình, Lầu Năm Góc buộc phải lên kế hoạch chạy đua tái vũ trang, bắt tay vào đợt gia tăng sản xuất đạn dược lớn nhất trong nhiều thập kỷ và đặt các đơn vị công nghiệp quốc phòng nước này vào tình thế sẵn sàng chiến tranh mặc dù xét về mặt kỹ thuật, Mỹ không có chiến tranh.

Ngành quốc phòng Mỹ căng sức sản xuất vũ khí: Quá muộn cho giai đoạn quyết định ở Ukraine? - Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine bắn pháo gần tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia, Ukraine ngày 5/1/2023. Ảnh: Reuters

Lầu Năm Góc đã phân bổ khoảng 3 tỷ USD để mua vũ khí ở nước ngoài từ các đồng minh và tăng cường sản xuất trong nước. Một phần số tiền đó sẽ được dùng để sản xuất đạn pháo 155 mm – một loại đạn chủ lực trong xung đột Ukraine.

Lục quân cũng đang lên kế hoạch tăng 500% sản lượng đạn pháo, từ 15.000 viên mỗi tháng lên 70.000 viên. Phần lớn số lượng đạn pháo này sẽ do nhà máy Scranton sản xuất.

Trên khắp nước Mỹ, các nhà máy sản xuất vũ khí đang tăng sản lượng nhanh nhất có thể. Một nhà máy của tập đoàn Lockheed Martin ở Camden (bang Arkansas) đang tổng lực sản xuất rocket và tên lửa, bao gồm cả những tên lửa được sử dụng trong hệ thống Patriot của quân đội Mỹ. Hồi tháng 1, ông Doug Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân phụ trách mua sắm, tiết lộ lực lượng này đang xây dựng một nhà máy mới ở Garland (bang Texas) để sản xuất đạn pháo, trong khi một nhà máy khác đang được mở rộng ở Middletown (bang Iowa) để lắp ráp đạn pháo 155 mm.

Theo ông Bush, Lục quân Mỹ dự định tăng gấp đôi sản lượng tên lửa chống tăng Javelin, sản xuất thêm khoảng 33% tên lửa đất đối đất tầm trung cho Hệ thống tên lửa phóng nhiều hướng (GMLRS) mỗi năm và sản xuất tối thiểu 60 tên lửa phòng không Stinger mỗi tháng.

Tên lửa Stinger và Javelin là hai trong số các loại vũ khí quan trọng nhất và được Ukraine tin cậy để ngăn chặn các bước tiến của Nga. Ukraine từng bày tỏ nguyện vọng với Mỹ rằng cần tới 500 tên lửa mỗi loại mỗi ngày.

Cuộc đua với thời gian

Ngành quốc phòng Mỹ căng sức sản xuất vũ khí: Quá muộn cho giai đoạn quyết định ở Ukraine? - Ảnh 3.

Một chiếc xe bệ phóng HIMARS đang được lắp ráp tại nhà máy Lockheed Martin ở Camden, bang Arkanas.

Khi xung đột ở Ukraine sắp sửa bước sang năm thứ hai, Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với một vấn đề cấp bách. Ukraine đang đốt cháy kho đạn dược nhanh hơn cả khả năng sản xuất của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chủ đề về tình trạng nguồn cung vũ khí ngày càng cạn kiệt đã trở thành tâm điểm trong một cuộc họp ở Brussels tuần này. Các thành viên của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, một liên minh gồm 54 quốc gia hỗ trợ quốc phòng Ukraine, đã thảo luận trực tiếp về những thách thức trong việc tiếp tục duy trì nguồn cung cấp đầy đủ cho quân đội Ukraine.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13/2 cho biết tỷ lệ sử dụng đạn dược hiện tại của Ukraine cao hơn nhiều lần so với tốc độ sản xuất của NATO và điều này đang khiến ngành công nghiệp quốc phòng của NATO gặp khó khăn.

Phần lớn hoạt động sản xuất vũ khí của NATO do các nhà thầu quốc phòng Mỹ phụ trách. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ bắt tay vào một nỗ lực lịch sử để tái vũ trang, vẫn xuất hiện nghi vấn liệu công cuộc này có đủ và kịp thời hay không. Trong khi Ukraine đang chuẩn bị trước một cuộc tiến công lớn của Nga được cho là sẽ triển khai trong một vài tuần tới, phải mất nhiều năm nữa Mỹ mới đạt được mức tăng sản lượng vũ khí dự kiến.

“Cuộc chiến phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất công nghiệp quốc phòng và đây là những khoản đầu tư quan trọng của Mỹ. Ukraine là bên được hưởng lợi. Câu hỏi đặt ra là liệu đã quá muộn với tất cả những kế hoạch này khi có thể sắp tới là giai đoạn quyết định của cuộc xung đột hay không. Đối với Ukraine, những thách thức là trước mắt và trung hạn hơn, trong khi với Mỹ, năng lực sản xuất sẽ mất 2 năm để hoàn thành”, Michael Kofman, Giám đốc Nghiên cứu các vấn đề về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân - một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu an ninh quốc gia, cho biết.

Theo nhà chức trách Bush, sẽ mất từ ​​​​12 đến 18 tháng để Mỹ đạt được tốc độ sản xuất tối đa 70.000 quả đạn pháo mỗi tháng.

Nỗ lực lấp đầy kho vũ khí

Ngành quốc phòng Mỹ căng sức sản xuất vũ khí: Quá muộn cho giai đoạn quyết định ở Ukraine? - Ảnh 4.

Giá đỡ đạn pháo 155mm bên trong nhà máy Scranton. Ảnh: CNN

Ngoài việc đảm bảo quân đội Ukraine có các loại vũ khí họ cần, Mỹ còn phải đáp ứng các đơn đặt hàng thêm từ các đồng minh.

“Nhiều đồng minh ở châu Âu đang tăng đơn đặt hàng thiết bị quân sự của Mỹ do cuộc xung đột Nga - Ukraine, vì vậy, điều đó làm tăng thêm nhu cầu sản xuất của chúng tôi”, ông Bush nói thêm rằng nhu cầu của Ukraine thay đổi từ tháng này qua tháng khác và khiến nó khó dự đoán hơn so với việc bán quân sự cho nước ngoài vốn thường được biết trước.

Ngoài ra, Mỹ còn rất nhiều việc phải làm trong việc bù đắp các kho dự trữ của chính mình.

Một báo cáo gần đây của Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cảnh báo rằng sự trợ giúp Ukraine của Mỹ đã làm cạn kiệt kho dự trữ một số loại hệ thống vũ khí và đạn dược, như tên lửa Stinger, pháo 155mm và tên lửa Javelin.

Chuyên gia Jones chỉ ra trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột ở Thái Bình Dương, số lượng vũ khí tầm xa quan trọng của Mỹ như tên lửa chống hạm tầm xa sẽ dùng hết trong chưa đầy một tuần.

Tại cuộc họp ở Brussels, các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ đã thể hiện sự lạc quan về việc có thể cung cấp cho Ukraine những gì nước này cần.

“Với sự thống nhất và khẩn trương, chúng tôi sẽ một lần nữa cung cấp sự hỗ trợ mà chúng tôi đã hứa với Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh.

Nhưng ở quê nhà, xuất hiện những sự hoài nghi về mức độ bền vững của cam kết này đối với Ukraine. Một cuộc thăm dò được công bố vào tháng 12/2022 cho thấy mức độ ủng hộ Mỹ viện trợ Ukraine đang giảm dần trong các thành viên đảng Cộng hòa và đã có những lo ngại rằng một Quốc hội do đảng Cộng hòa lãnh đạo có thể dẫn đến việc giảm viện trợ cho Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại