Ngành ngân hàng Mỹ hưởng lợi sau bầu cử?

PV |

Ngành ngân hàng Mỹ được dự đoán sẽ hưởng lợi lớn khi cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Theo các chuyên gia và nhà phân tích, sau khi trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Trump sẽ đưa các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa vào các vị trí chủ chốt, đồng thời dự kiến sẽ nới lỏng các quy định về vốn và phê duyệt sáp nhập doanh nghiệp, điều sẽ có lợi cho ngành ngân hàng.

Các lựa chọn chính sách của ông Trump, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11, có thể tiếp tục làm suy yếu Hiệp định Basel III - hiệp định yêu cầu các ngân hàng lớn có thêm vốn để dự phòng rủi ro từ các khoản vay không có khả năng thanh toán. Mặc dù các ngân hàng đã giành được nhượng bộ quan trọng với lập luận rằng đề xuất này sẽ cản trở hoạt động cho vay và ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng theo một quan chức cấp cao của Fed, bản dự thảo mới nhất vẫn có thể tăng yêu cầu về vốn lên khoảng 9% đối với các ngân hàng lớn nhất.

Ông Gene Ludwig, cựu quan chức giám sát ngân hàng và CEO của Ludwig Advisors, nhận định: "Hiệp định Basel có thể hoàn toàn bị hủy bỏ dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump". Sự thay đổi về quy định này có thể giúp trấn an các nhà đầu tư sau một năm khó khăn, khi nhiều cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng bởi lo ngại về các khoản vay xấu.

Hiệp định quốc tế Basel III đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các ngân hàng lớn do lo ngại quy định này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của họ. Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã đồng ý điều chỉnh và tái ban hành bộ quy định này vào tháng Chín vừa qua. Các quy định khác yêu cầu ngân hàng phải nắm giữ nhiều trái phiếu hơn, cùng với những thay đổi về quy định thanh khoản, cũng có thể bị xem xét lại.

Ông Dan Coatsworth, nhà phân tích đầu tư tại AJ Bell, cho biết: "Triển vọng của ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn dưới thời ông Trump. Các ngân hàng sẽ ít bị ràng buộc hơn và có thể sử dụng nhiều tiền mặt hơn cho hoạt động cho vay hoặc mua lại cổ phiếu".

Việc ông Trump bổ nhiệm các vị trí quan trọng tại các cơ quan chủ chốt có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho ngành ngân hàng, vốn quen với nhịp độ thay đổi chậm hơn. Theo ông Ed Mills, nhà phân tích tại Raymond James, đây sẽ giống như một cơn địa chấn đối với chính sách sáp nhập và các quy định của ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, bà Meg Tahyar, trưởng nhóm tài chính tại công ty luật Davis Polk, lưu ý rằng sự thay đổi lớn có thể không diễn ra. Bà nói thêm: "Sẽ có thay đổi về nhân sự cấp cao và sẽ có nhiều hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) hơn, nhưng sự giám sát và mức độ chú ý đến các khoản phí vẫn có thể không thay đổi nhiều".

Giá cổ phiếu của các ngân hàng quy mô trung bình đã tăng vào phiên 6/11, nhờ kỳ vọng yêu cầu về vốn sẽ được nới lỏng. Nhiều giám đốc điều hành trong ngành đã kêu gọi việc hợp nhất các ngân hàng tại Mỹ, quốc gia hiện có hơn 4.600 ngân hàng. Việc sáp nhập sẽ giúp các ngân hàng nhỏ cạnh tranh hiệu quả hơn với các đối thủ lớn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các yếu tố như bất ổn chính sách, chiến tranh thương mại và áp lực lạm phát dưới thời ông Trump có thể vẫn tạo ra một số thách thức cho hoạt động sáp nhập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại