Hẳn đặt bút ghi một ngành nghề để theo đuổi sau khi tốt nghiệp cấp 3 trong các hồ sơ ứng tuyển là câu chuyện khiến không ít người đau đầu. Có người chọn ngành vì xu hướng, có người lại được cha mẹ định hướng, có người đơn giản chọn vì thích. Nếu bạn cảm thấy quá nhàm chán với những ngành nghề bàn giấy thông thường thì tại sao không thử tìm hiểu về ngành "Khai thác và vận hành máy tàu biển."
Mới đây, dân mạng được phen trầm trồ vì một đoạn clip ghi lại cuộc sống của các sinh viên ngành học nghe có vẻ máy móc này. Không gói mình trong 4 bức tường nơi phòng học quen thuộc, đoạn phim này cho ta cái nhìn khác hơn về việc học. Nào là ăn, ngủ, sống, sinh hoạt trên tàu suốt nhiều tháng liền, nào là học với các khoang tàu, máy móc, nào là trải nghiệm cuộc sống tách biệt với đất liền,...
Sinh viên ĐH Hàng hải đi học trên tàu biển
Theo lời kể của Lê Sỹ Đạt, sinh viên trường Đại học Hàng hải Việt Nam, đây là chuyến đi xa đầu tiên của anh chàng và các bạn chung lớp với mục đích học tập, đặc biệt hơn, lần này cậu bạn được dịp thực tập trên chiếc tàu vừa được Hàn Quốc trao tặng cho Việt Nam hồi tháng 9/2020. Chiếc tàu mang tên VMU Việt Hàn được quản lý bởi trường ĐH Hàng hải.
Đây là lần đầu tiên, trường ĐH Hàng hải đưa chương trình dạy học mới kết hợp giữa việc thực tập và dạy 1 kỳ học thực trên tàu. Dự kiến, các bạn sinh viên sẽ có khoảng 5-6 tháng sống hoàn toàn trên tàu trước khi được trở về lại với đất liền.
Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực xuất nhập khẩu và có lợi thế lớn là đường bờ biển dài, có nhiều vùng vịnh có thể xây nhiều cầu cảng lớn để cập những con tàu siêu trường, siêu trọng. Do vậy, các ngành liên quan tới hàng hải đặc biệt là Khai thác và vận hành máy tàu biển được đặc biệt quan tâm và là ngành đang khát nhân lực. Nhưng hiện nay, vẫn chưa nhiều sinh viên chú ý tới ngành học tiềm năng này.
Khóa 59 của Sỹ Đạt hiện chỉ có 38 thành viên và 100% là nam, không hề xuất hiện bóng hồng nào. Được biết, ngành Khai thác và vận hành máy tàu biển không nhận sinh viên nữ từ khóa 59 trở về trước đó. Nhưng từ khóa 60, nhà trường đã bắt đầu tuyển sinh các bạn nữ nhưng mỗi khóa cũng chỉ có duy nhất 1 bạn.
Nói về lý do theo đuổi ngành học được cho là khắc nghiệt này, cậu bạn cho biết: “Mình là người thích khám phá, trải nghiệm, chinh phục những điều mới lạ. Thêm nữa, mình được sự tư vấn của người thân đã học và đi tàu nên đã quyết định lựa chọn Hải Phòng và ngành Hàng hải là nơi để phát triển bản thân, thoả mãn đc đam mê đi nhiều nơi trên thế giới của mình.”
Cậu bạn tiết lộ thêm, các ngành liên quan tới Hàng hải so với các ngành khác thì chịu thiệt thòi hơn vì phải đi xa nhà một thời gian dài, cộng với nhiều nguy hiểm như bão, cướp biển,... nhưng đổi lại, mức lương so với các công việc trên đất liền có phần tốt hơn sau khi ra trường.
Cuộc sống sinh hoạt trên tàu của các sinh viên này tất nhiên cũng khác xa so với trường học dưới đất liền. Không có cảnh mè nheo mỗi sáng thức dậy, cúp tiết khi lười học, ăn uống thả ga, giờ giấc trên mây. Ở đây, các sinh viên được đưa vào rèn luyện trong khuôn khổ với lịch trình ấn định sẵn từ 6h sáng đến 22h30 mỗi ngày.
Nhưng môi trường trên tàu biển cũng không quá gò bó vì sinh viên có thể chơi thể thao, tập gym, gọi điện về cho gia đình hoặc lập thành nhóm để đàn hát.
Sỹ Đạt tâm sự: "Xa đất liền để sống trên tàu thì nhớ nhà lắm nhưng cũng phải tập dần, vì mai sau nếu có theo nghề thì cũng phải đi liên tục 6-8 tháng trên biển mới được về nhà. Nhiều lúc cũng nhớ cả người yêu nữa!"
"Những người thợ máy chúng mình được ví như những người duy trì và bảo vệ sự sống, trái tim của con tàu.Chúng mình mong muốn truyền động lực cho các em thế hệ sau có thể duy trì, tiếp nối và phát triển hơn nữa ngành Hàng hải", nam sinh chia sẻ thêm về ngành học đặc biệt của mình.
Ảnh, clip: Nhân vật cung cấp