Ngành học hiếm, cực ít trường trên cả nước đào tạo: Mức lương lên đến 50 triệu đồng/tháng vẫn "khát nhân lực"

Kim Linh |

Ngành học này có nhu cầu việc làm cao, sinh viên mới ra trường đã có mức lương hấp dẫn.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam thuộc nhóm 25 nước hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch Covid-19 và nằm trong top 4 thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới trong giai đoạn 2015-2035.

Dự báo đến năm 2025, ngành hàng không cần tới 58.000 nhân sự. Đến năm 2030, dự kiến trên cả nước sẽ có khoảng 30 cảng hàng không, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này, đặc biệt là nhân sự kỹ thuật.

Ngành học hiếm, cực ít trường trên cả nước đào tạo: Mức lương lên đến 50 triệu đồng/tháng vẫn "khát nhân lực" - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngành Kỹ thuật hàng không ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có một số ít cơ sở đào tạo như Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Hàng không Việt Nam, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Văn Lang (không tính các trường quân sự).

Ngành Kỹ thuật hàng không học gì?

Kỹ thuật hàng không là ngành đào tạo về thiết kế, bảo dưỡng, sửa chữa, khai thác máy bay và các trang thiết bị phục vụ bay thuộc các nhóm như: Cơ khí, động cơ sức đẩy, thủy khí, khí động lực và trang thiết bị mặt đất.

Sinh viên được trang bị kiến thức khoa học cơ bản về kỹ thuật cơ khí, về kỹ thuật hàng không; có kỹ năng thực hành nghề nghiệp như khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa tàu bay và các trang thiết bị, hệ thống trên tàu bay; đủ năng lực vận hành, thiết kế và triển khai các hệ thống, thiết bị liên quan đến cơ khí hàng không. Chương trình đào tạo của các trường có sự khác biệt nhất định về các chuyên ngành, môn học, thời gian đào tạo.

Ngành học hiếm, cực ít trường trên cả nước đào tạo: Mức lương lên đến 50 triệu đồng/tháng vẫn "khát nhân lực" - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở đầu tiên trên cả nước đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không, đào tạo từ bậc Cử nhân đến Tiến sĩ. Mức học phí của trường 22-28 triệu đồng/năm. Điểm chuẩn 3 năm gần đây của ngành này dao động 24,23 – 26,22 điểm.

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội 100% bằng tiếng Anh, sinh viên được lựa chọn 3 chuyên ngành: Kỹ thuật Vận hành, Kỹ thuật Bảo dưỡng, Kỹ thuật Bảo dưỡng đạt chứng chỉ B1/B2. Học phí ngành Kỹ thuật hàng không tại trường này là 125 triệu đồng.

Ngành Kỹ thuật hàng không là ngành học hot thứ 2 tại Học viện Hàng không Việt Nam, sau ngành Quản lý hoạt động bay. Năm 2024, ngành này lấy 23,6 điểm, học phí 28,2 triệu đồng/năm.

Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật hàng không ở Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ có lựa chọn theo học Chương trình tiêu chuẩn hoặc Chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt – Pháp, Chương trình chuyển tiếp quốc tế dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mức phí ngành học này từ 30 triệu đồng/năm.

Ngành học hiếm, cực ít trường trên cả nước đào tạo: Mức lương lên đến 50 triệu đồng/tháng vẫn "khát nhân lực" - Ảnh 3.

Đại học Bách khoa TPHCM là một trong số ít những trường đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không

Trường Đại học Văn Lang tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật hàng không từ năm 2023. Sinh viên chọn chương trình đào tạo kỹ sư theo hướng Khoa học hàng không với 171 tín chỉ (4,5 năm) hoặc chương trình cử nhân 148 tín chỉ (4 năm) với 2 chuyên ngành Khoa học hàng không và Bảo dưỡng hàng không. Mức điểm chuẩn ngành này tại Văn Lang khá "dễ thở" từ 16 điểm. Học phí dao động 1-2 triệu đồng/tín chỉ.

Tiềm năng ngành Kỹ thuật hàng không

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành:

- Kỹ sư sửa chữa, bảo dưỡng, Kỹ thuật làm việc tại các bộ phận quản lý chất lượng kỹ thuật – đảm bảo an toàn tại các hãng hàng không trong và ngoài nước, các cụm cảng hàng không, sân bay

- Kỹ sư thiết kế, vận hành ở các công ty sản xuất và các công ty dịch vụ kỹ thuật công nghiệp. - Kỹ sư nghiên cứu tại các viện nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực cơ khí động lực, các trường đại học trong và ngoài nước.

- Giảng viên tại các cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo nghề.

Ngành học hiếm, cực ít trường trên cả nước đào tạo: Mức lương lên đến 50 triệu đồng/tháng vẫn "khát nhân lực" - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Trao đổi tại một hội thảo tháng 5/2023, ông Tạ Minh Trọng, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Cục hàng không Việt Nam đánh giá, ngành Kỹ thuật hàng không đang rất "khát". Mức lương trả cho các kỹ thuật viên, kỹ sư hàng không chia thành 3 mức:

- Mức A là nhân sự có trình độ sơ đẳng, làm các công việc đơn giản như: thay dầu, bơm lốp máy bay, với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng

- Mức B dành cho các kỹ sư kỹ thuật sửa máy bay, mức lương khoảng 35 - 40 triệu đồng/tháng

- Mức C dành cho các nhân viên bảo dưỡng định kỳ cho máy bay. Nhân sự ở mức này cần tư duy rất cao nên thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng.

ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin, 100% sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm với mức lương phổ biến từ 10-15 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp ngành này tại Học viện Hàng không Việt Nam cũng đạt 90,91%, theo Báo cáo 3 công khai năm 2023-2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại