Một cửa hàng thời trang cao cấp trên đường phố thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Khách hàng Trung Quốc không chỉ là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ trong những năm gần đây mà độ tuổi tiêu dùng hàng cao cấp ở nước này trẻ hơn 10 tuổi so với mức trung bình toàn cầu là 38.
Theo ông Gregory Boutte, Giám đốc khách hàng kiêm phụ trách kỹ thuật số tại Kering - công ty sở hữu thương hiệu Gucci, cho biết những người trẻ trên khắp thế giới là yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ trong một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, dữ liệu trong tuần này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, khiến Ngân hàng Trung ương nước này phải hạ lãi suất trong khi các xu hướng kinh tế vĩ mô cũng không thuận lợi đối với những người trẻ thế hệ Z (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1996-2012) muốn mua sắm hàng hiệu.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc trong tháng 7 cũng cho thấy tỉ lệ thất nghiệp trong dân số thành thị Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi đang ở mức kỷ lục là 19,9%. Tình trạng càng trầm trọng hơn do tác động của dịch Covid-19 và các công ty công nghệ lớn, thường tuyển nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp, thắt chặt chính sách về nhân sự.
Nghiên cứu gần đây của Công ty Tư vấn quản lý Oliver Wyman (Mỹ) cho thấy một số thương hiệu cao cấp đang hạ thấp kỳ vọng bán hàng đáng kể đối với thị trường Trung Quốc ở điều kiện hiện tại, với 80% giám đốc điều hành được hỏi không cho rằng có sự phục hồi "hình chữ V" trong năm nay.
Các thương hiệu cũng đang chuyển hướng tập trung vào nhóm người tiêu dùng xa xỉ chính, bao gồm một nhóm thế hệ Z giàu có ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hoặc thất nghiệp.
Cô Yi Kejie, giám đốc tiếp thị nội dung 26 tuổi, cho biết các doanh nghiệp hàng xa xỉ có thể tiếp tục thu hút người dùng thế hệ Z bằng cách cung cấp các mặt hàng ở mức giá tiếp cận hợp lý và có thể được sử dụng thường xuyên.