Ngày 13/6, một ngày sau vụ thảm sát tại hộp đêm Orlando, các nhà đầu tư quay lại đặt cược vào sự thịnh vượng của công việc kinh doanh súng đạn.
Các chỉ số chứng khoán của hai nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Mỹ, Smith & Wesson và Sturm Ruger đã tăng lần lượt là 6,9% và 8,5%. Hiện tượng này đã tái diễn trong những năm qua.
Số liệu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về 10 tuần có số lượng kiểm tra nhân thân người mua vũ khí cao nhất khi họ mua súng ở các cơ sở buôn bán được liên bang cấp phép đã cho thấy rõ tác động của các vụ thảm sát.
Theo FBI, hai con số cao nhất là sau các vụ xả súng ở trường tiểu học Newtown thuộc bang Connecticut năm 2012 làm 26 người chết, và vụ xả súng trong bữa tiệc ngày lễ ở San Bernardino, bang California hồi tháng 12 năm ngoái làm 14 người thiệt mạng.
Trả lời phỏng vấn, ông Josh Sugarmann thuộc Trung tâm Chính sách về Bạo lực- một nhóm kiểm soát về súng đạn, nói: “Công nghiệp súng đạn và việc vận động ủng hộ vũ khí đã khai thác triệt để nỗi sợ hãi trong một bộ phận dân chúng lo sợ súng của họ sẽ bị tịch thu”.
Những nỗi lo ngại này tăng cao trong 8 năm ông Obama làm tổng thống. Việc ông Obama ủng hộ thắt chặt các quy định về kiểm soát súng đạn đã khuyến khích làn sóng mua và sản xuất súng gia tăng.
Theo các con số chính thức, hơn 9 triệu khẩu súng và các loại vũ khí khác đã được sản xuất ở Mỹ trong năm 2014 so với con số 5,5 triệu vào năm 2009, khi ông Obama bắt đầu lên nắm quyền.
Theo nghiên cứu của hãng IBISWorld, năm 2012 ông Obama tái đắc cử Tổng thống, đây cũng là năm kỷ lục của ngành vũ khí khi doanh thu tăng gần 19 lần. Nghiên cứu cho biết: “Nhiều khách hàng tìm mua sản phẩm do lo ngại việc mua vũ khí trong tương lai có thể khó khăn hơn”.
Động lực này vẫn đang tiếp diễn. Theo IBISWorld, kể cả đạn dược và sản phẩm quân sự khác, doanh thu của ngành công nghiệp này đã tăng trung bình 6,5% mỗi năm kể từ năm 2011 và dự kiến đạt 15,8 tỷ USD năm 2016. Điều đó có nghĩa là sẽ có 1,2 tỷ lợi nhuận trong năm nay. Một trong những nhà vận động ủng hộ vũ khí, Liên đoàn Thể thao Bắn súng Quốc gia, tính toán rằng hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp của ngành công nghiệp này là 49,3 tỷ USD mỗi năm.
Mặc dù có mức tăng trưởng mạnh và được đề cập nhiều trên truyền thông song ngành công nghiệp súng đạn chỉ chiếm một phần nhỏ trong khoảng 5.200 tỷ USD doanh số bán lẻ hàng năm ở Mỹ. Và nó đối mặt với một mối đe dọa nguy hiểm hơn khả năng siết chặt thêm các quy định, đó là các số liệu về nhân khẩu học.
Robert Spitzer, tác giả cuốn “Súng đạn trên nước Mỹ” và 4 cuốn khác về việc kiểm soát súng, nói: “Tồn tại một nỗi sợ hãi của cả người sản xuất lẫn cộng đồng được quyền mua súng xuất phát từ thực tế là nền tảng ủng hộ của họ - lớp người trung niên, nam giới da trắng - đang suy giảm”.
Năm 2010, người Mỹ da trắng chỉ chiếm 72,4% dân số Mỹ so với 89,5% năm 1950. Ông Spitzer nói: “Sở hữu súng đơn thuần đã ít được mọi người quan tâm hơn so với vài thập kỷ trước”.
Kết quả là, năm 2014 có chưa tới 1/3 hộ gia đình Mỹ sở hữu tối thiểu 1 khẩu súng so với mức gần 50% năm 1980, theo như báo cáo của Đại học Chicago. Số vũ khí lưu hành ở Mỹ vẫn rất lớn, ở mức khoảng 270 triệu đến 310 triệu súng, con số gần như đủ đảm bảo mỗi người một khẩu.
Thế nhưng, con số này lớn chủ yếu lại là do có những người mua nhiều súng hơn là những người lần đầu mua súng. Điều này đã được các nhà sản xuất súng lưu ý tới. Ông Jurgen Brauer, Giáo sư kinh tế Đại học Augusta hiểu rõ về bạo lực súng ống, cho biết:
“Tự nhận thức được rằng thị trường ‘truyền thống’ với ‘những người đàn ông da trắng khá giả đi săn’ đã bị hạn chế, ngành công nghiệp này đang rất tích cực nghiên cứu và chào hàng tới thị trường những người nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, phụ nữ và thanh niên”.
Khó có thể biết liệu những nỗ lực này có thành công hay không. Chỉ có một số ít các nhà sản xuất súng buôn bán công khai, và do đó yêu cầu minh bạch phải được đặt lên hàng đầu.