Ngành khó học nhưng “dễ giàu”
Hiện nay, do nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng như vẻ đẹp bên ngoài của con người ngày càng tăng cao, chuyên ngành Nha khoa đang ngày một trở nên phổ biến đối với các bạn trẻ có ý định theo đuổi ngành Y.
Trước đây, ngành học này thường có học phí đắt đỏ, thời gian học kéo dài, mức lương thử việc chỉ từ 6 - 8 triệu đồng/tháng nên nhiều người còn “ngần ngại”. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thu nhập của nghề nha sĩ đang là mục tiêu mà nhiều người hướng tới.
Nếu có kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì bạn có thể sống sung túc với nghề nha sĩ. Thậm chí, thu nhập có thể lên tới 50-70 triệu đồng/tháng.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng cho biết: Nha khoa được đánh giá là một ngành khó trong khối khoa học sức khỏe nhưng cũng là một trong những ngành dễ làm giàu.
“Thực chất, nếu học giỏi thì chọn ngành nào cũng đều có khả năng làm giàu. Ngay từ đầu vào của khối ngành sức khỏe đã khó hơn rất nhiều so với các ngành khác, nên đây cũng là một thách thức cho thí sinh khi theo học khối ngành này. Học ngành Nha khoa thì thí sinh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, hiện cơ hội việc làm của ngành này cũng rất mở rộng”, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết.
Theo các chuyên gia, để có được mức thu nhập mơ ước đương nhiên những người theo học Răng hàm mặt cũng phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều trên con đường học vấn, cũng như không ngừng trau dồi kỹ năng, chuyên môn, vận dụng lý thuyết vào thực tế một cách thành thạo.
Ngay từ đầu, ít ai có thể nhanh chóng đạt được mức lương cao như ý nguyện. Tuy nhiên, trải qua quá trình chứng minh được năng lực của bản thân thì nhà tuyển dụng mới có thể nhận họ vào làm việc, trả cho họ một mức lương xứng đáng.
Bên cạnh đó, các nha sĩ cũng phải thực hiện đầy đủ những nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức ngành y tương tự như những nhóm ngành khác. Đồng thời họ phải làm việc thật chăm chỉ thì mới có được mức thu nhập mà nhiều người mơ ước như vậy.
Thông báo tuyển dụng bác sĩ răng hàm mặt với mức lương hấp dẫn
Thu nhập hấp dẫn nhưng vẫn “khát nhân lực”
Theo một khảo sát từ Bộ Y tế cho thấy, trên 90% người dân Việt Nam bị bệnh răng miệng, tuy nhiên, có đến 55% dân số không bao giờ đi khám răng. Riêng ở trẻ em 6-8 tuổi, hơn 85% bị bệnh sâu răng (trung bình là 5,4 chiếc) nhưng 94% trong số đó không được điều trị. Gần 97% dân số Việt Nam có bệnh quanh răng. Chưa tới 10% dân số có sức khỏe quanh răng ở mức chấp nhận được.
Điều đáng nói là tại Việt Nam vẫn còn thiếu trầm trọng bác sĩ răng hàm mặt. Nếu như ở các nước phát triển, 1 bác sĩ răng hàm mặt phục vụ 1.000 - 2.000 dân thì ở Châu Á 1/5000 dân, còn ở nước ta, tỷ lệ này trung bình là 1/25.000. Ở nhiều huyện, người dân hầu như không được chăm sóc sức khỏe răng miệng vì không có nha sĩ. Thông tin được công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Khoa học và Đào tạo Răng Hàm Mặt của Viện Đào tạo Răng hàm mặt - Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức năm 2016 tại Hà Nội.
Răng hàm mặt vừa là ngành vừa kỹ thuật, vừa y tế. Do đó, cần nhiều thời gian đào tạo kỹ càng nếu muốn có được một bác sĩ răng hàm mặt thực thụ. Để nắm vững và thực hành thành thạo cả các kỹ thuật như lấy cao răng, hàn răng..., cả chuyên môn về răng hàm mặt, cũng phải mất 6 năm.
PGS.TS Trương Mạnh Dũng, Viện trưởng Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt cho biết: “Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao trình độ của các bác sĩ nha khoa là điều cần thiết. Nếu mỗi năm chúng ta đào tạo được tối thiểu là 300 bác sỹ nha khoa, dự kiến khoảng 10 năm nữa chúng ta có thể đạt được tỷ lệ trung bình của thế giới.”
Ngành Nha khoa học ở đâu tốt nhất?
Một trong những trường đào tạo ngành Nha khoa uy tín nhất ở Việt Nam là Đại học Y Hà Nội. Trong 3 năm vừa qua, điểm chuẩn ngành Răng Hàm Mặt luôn nằm trong top đầu. Năm 2021, điểm chuẩn ngành là 28,45. Năm 2020, điểm chuẩn ngành này còn cao hơn, lấy tới 28,65 điểm. Khi đó, muốn thi đỗ ngành Răng Hàm Mặt của Đại học Y Hà Nội, thí sinh phải đạt trung bình mỗi môn là 9,55 điểm.
Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2022 gần đây nhất, điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội đã giảm ở nhiều ngành. Trong đó, ngành răng hàm mặt vẫn lấy điểm cao top 2, với 27,7 điểm (giảm 0,8 điểm so với năm trước). So với năm ngoái, lượng chỉ tiêu của ngành đã tăng thêm 20.
Tại trường Đại học Y Hà Nội, sinh viên được đào tạo trong 6 năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng Bác sĩ Răng Hàm Mặt và có thể đảm nhận công việc tại các vị trí: Khoa RHM trong các bệnh viện RHM; Khoa RHM trong các bệnh viện đa khoa; Phòng khám chuyên khoa RHM độc lập; Làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý hay tổ chức chuyên môn…
Ngoài Đại học Y Hà Nội, các trường sau cũng đang đào tạo chuyên ngành Răng Hàm Mặt:
- Đại học Y Dược TP.HCM
- Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM
- Đại học Y Dược Hải Phòng
- Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch…