Theo SCMP, “hai quận mới” Trung Quốc tuyên bố thành lập trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” (Trung Quốc ngang nhiên lập ra năm 2012 hòng quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough). Hôm thứ Bảy vừa qua, Bộ Nội vụ Trung Quốc thông báo, Quốc vụ viện (chính phủ) gần đây đã phê chuẩn việc thành lập các quận Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa.
Theo thông báo, “quận Tây Sa” sẽ đặt tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong khi đó, “quận Nam Sa” có trụ sở trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thông báo được đưa ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Mỹ và nhiều nước Đông Nam Á trên biển Đông. Collin Koh, nghiên cứu viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng động thái này báo hiệu rằng Bắc Kinh có khả năng xây dựng thêm cơ sở hạ tầng và tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra về quy tắc ứng xử ở biển Đông, ông Koh nói với SCMP. “Rõ ràng rằng Bắc Kinh đang tìm cách củng cố những gì họ đã giành được ở biển Đông trước khi bộ quy tắc được ban hành. Ngay cả khi cuối cùng không có bộ quy tắc nào thành hiện thực, Bắc Kinh sẽ ở vị thế mạnh hơn nhiều ở biển Đông”, ông Koh nhận định.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 19/4, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), nhận định, việc Trung Quốc thành lập hai quận mới nhằm quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là đòn phủ đầu hòng đẩy sang một bên các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Philippines.
“Việc Trung Quốc vừa thành lập hai quận mới nhằm quản lý Trường Sa và Hoàng Sa là hành động khiêu khích, phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Hành động của Trung Quốc cũng làm xói mòn một cách nghiêm trọng đàm phán giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý”, ông Thayer nói.
Theo vị giáo sư người Úc, hành động của Trung Quốc là phi pháp theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Hoàng Sa thông qua thôn tính bằng vũ lực hồi tháng 1/1974. Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền đạt được thông qua xâm chiếm.
“Dự thảo văn bản đơn nhất về đàm phán COC không xác định khu vực nào trên biển Đông sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của COC. Việc Trung Quốc thông báo về các quận hành chính mới ở Trường Sa là đòn phủ đầu để đẩy các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Philippines sang một bên”, giáo sư Thayer nói.
Yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định sai trái
Ngày 19/4, trước việc Trung Quốc ngày 18/4 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa và Nam Sa”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu: Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình biển Đông, khu vực và thế giới.Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến các việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.
Bình Giang