Tổng cục Thuế mới có văn bản gửi cục thuế các tỉnh, thành phố về việc đôn đốc thực hiện kế hoạch chống thất thu doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, thương mại, dịch vụ.
Đánh giá của Tổng cục Thuế cho biết, qua theo dõi thực hiện công tác chống thất thu khu vực ngoài quốc doanh trong lĩnh vực ăn uống, thương mại, dịch vụ cho thấy tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Cụ thể, về việc thực hiện báo cáo theo quy định, đối với báo cáo lần 1 Kiên Giang chưa có báo cáo mặc dù đã được đôn đốc nhiều lần. Báo cáo lần 2, có 30/63 Cục Thuế có báo cáo kết quả về kết quả kiểm tra đến ngày 15/9, 33/63 Cục Thuế chưa có báo cáo về kết quả.
Về kết quả kiểm tra chống thất thu, Tổng cục Thuế cho biết, theo báo cáo của 30/63 Cục Thuế đến ngày 15/9 kết quả chống thất thu chưa cao, chưa đảm bảo yêu cầu.
Tổng cục Thuế cho biết, đối với với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngành thuế đã kiểm tra 14.198 doanh nghiệp và từ đó điều chỉnh tăng số thuế phải nộp là 2.864 tỷ đồng. Trong đó truy thu 1.323 tỷ đồng, phạt 430,3 triệu đồng.
Về phía hộ kinh doanh, cơ quan chức năng đã khảo sát 7.788 hộ và điều chỉnh tăng doanh thu khoán với 5.330 hộ.
Đáng chú ý, số hộ có doanh thu phải điều chỉnh tăng từ 50% và phải thực hiện ngay trong 3 tháng cuối năm là 2.706 hộ. Số thuế những hộ này phải điều chỉnh tăng ngay trong 3 tháng cuối năm là 3,5 tỷ đồng. Các hộ còn lại theo đại diện ngành thuế có doanh thu phải điều chỉnh tăng dưới 50% nên sẽ thuộc diện điều chỉnh từ năm 2018.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, đối với 16 tỉnh có điều tiết ngân sách trung ương thì kết quả tăng thu mới đạt 1.659 tỷ đồng, bằng 32,53% nhiệm vụ thu đã được giao. Cục thuế TP.HCM tăng thu đạt 1.380 tỷ đồng, Cục Thuế Hà Nội mới đạt 186 tỷ đồng còn 8 Cục Thuế vẫn chưa có kết quả báo cáo.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước và thu ngân sách trung ương 3 tháng cuối năm, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục trưởng Cục thuế các địa phương chỉ đạo, tập trung lựa chọn đối tượng để kiểm tra trong 3 tháng cuối năm tập trung vào doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh trong lĩnh vực: ăn uống, dịch vụ thẩm mỹ, văn phòng công chứng, kinh doanh rượu, bia, đồ hộp ngoại nhập… đầu vào cho sản xuất kinh doanh bao gồm cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp có mối quan hệ trong việc cung cấp đầu ra, đầu vào trên phạm vi toàn quốc.
Hộ kinh doanh sử dụng nhiều hoá đơn, sử dụng hoá đơn với giá trị lớn, mặt hàng ngành nghề đặc thù để qua đó xác định doanh nghiệp có rủi ro trong việc hợp thức hoá đầu vào thông qua hoá đơn của hộ kinh doanh.