Năm 2005, cộng đồng sử dụng internet trên thế giới bất ngờ trước ý tưởng của một cậu sinh viên người Anh cần tiền đóng học phí: lập trang web thu về 1 triệu USD từ mỗi 1 USD (The Million Dollar Homepage).
Trang web bao gồm 1 triệu pixels (điểm ảnh), được bán với giá chỉ 1 USD mỗi pixel cho những người muốn hiển thị thông tin lên đó. Mục đích là bán tất cả các pixel và cha đẻ của nó đã tạo ra tổng thu nhập 1 triệu USD.
Từ 1 USD đến “tỷ đô”
Ba năm về trước, khi trò chuyện với BizLIVE, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn tâm đắc với góc nhìn: khai thác tài nguyên dân số vàng của Việt Nam, một thị trường có quy mô lên tới khoảng 90 triệu người.
“Hãy thử hình dung, ngân hàng tiếp cận được một phần trong 90 triệu dân đó, chỉ cần thu được 1 USD trên mỗi khách hàng mỗi tháng trong phát triển dịch vụ, tổng thu sẽ rất lớn”, vị lãnh đạo ngân hàng trên đặt vấn đề.
1 USD như trong hiện tượng “The Million Dollar Homepage” nói trên cũng rất nhỏ khi bán mỗi 1 pixel, nhưng đạt tổng thu lớn. Với các ngân hàng thương mại Việt Nam, thực tế “triệu đô” rồi đến “tỷ đô” từ mỗi 1 USD dịch vụ đã trở nên rõ ràng.
Đơn cử, gần một năm trở lại đây, khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank ) cũng đã quen với mức phí mới, cỡ 1 USD đều đặn mỗi tháng (11.000 đồng cho phí SMS chủ động, 11.000 đồng cho phí Mobile Banking).
Với mỗi người, 1 USD đó có thể chậc lưỡi không đáng kể, nhưng với Vietcombank là hàng triệu USD mỗi tháng. Chưa kể việc ngân hàng này còn chẻ nhỏ các hạn mức chuyển khoản trực tuyến, tăng thêm nguồn thu phí.
Khai thác tài nguyên khách hàng tại Vietcombank chưa dừng lại đó. Sau khi tạo lập được nền tảng khách hàng cá nhân lớn, họ có lợi thế hướng đến nguồn thu lớn khác: đàm phán, kết nối và bán chéo bảo hiểm (bancassurance) với đối tác nước ngoài.
Kế hoạch ở đây, từ mỗi 1 USD trở thành “tỷ đô”, có trong quy mô Vietcombank chào thầu từng được Bloomberg đề cập trong năm 2018.
Và còn hơn thế…
Khác với Vietcombank, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) lại là trường hợp bỏ qua mỗi 1 USD trong phí dịch vụ lẽ ra thu được, để hướng tới những nguồn thu lớn hơn nữa.
Đã gần ba năm Techcombank triển khai chiến dịch cạnh tranh 0 đồng phí giao dịch ngân hàng trực tuyến. Đây cũng là khoảng thời gian họ thu hút được lượng khách hàng đột biến, tạo bề dày tài nguyên lớn.
Giới thiệu tại đại hội đồng cổ đông ngày 13/4 vừa qua, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank cho biết, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ E-Banking tại ngân hàng này đã tăng 3,3 lần, từ 450.000 lên 1,504 triệu, sau khi triển khai chiến dịch miễn phí trên.
Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch trực tuyến qua Techcombank đã tăng hơn 10 lần trong hai năm. Lượng tiền mà khách hàng dùng cho giao dịch với tốc độ gia tăng rất lớn đó tạo nguồn tài nguyên lớn, đọng lại trên tài khoản thanh toán dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Trước khi chưa miễn phí, số dư CASA trung bình của khách hàng sử dụng E-Banking của Techcombank chỉ 5,2 triệu đồng; sau khi miễn phí, đã tăng tới hơn 2,2 lần lên 11,4 triệu đồng. Lượng vốn CASA gia tăng và tạo quy mô lớn, có chi phí thu hút của lãi suất không kỳ hạn, tạo nguồn vốn rẻ giúp Techcombank thêm lợi thế nâng cao lợi nhuận.
Bên cạnh đó, việc thu hút được lượng lớn khách hàng cá nhân cũng đã được Techcombank cụ thể hóa ở giá trị bán chéo bảo hiểm, cũng là nguồn thu “tỷ đô” được hạch toán những năm gần đây.
Và với diễn biến vừa qua, sau Techcombank, thị trường đã bắt đầu đón thêm một số ngân hàng thương mại nhập cuộc ở chính sách miễn phí giao dịch, bỏ qua mỗi 1 USD để hướng đến tiềm năng giá trị lớn khác.
Đáng chú ý, những nguồn thu và giá trị tiềm năng này đang là xu hướng vận động của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Nó bền vững, an toàn hơn so với gia tăng nguồn thu tín dụng mà vẫn thường tiềm ẩn rủi ro, mất mát với nợ xấu.
Quyết liệt vì sống còn
Nhưng để thu hút và tạo lợi thế trong cạnh tranh thu hút mỗi 1 USD không dễ. Chỉ mỗi chính sách miễn phí là chưa đủ. Yêu cầu đầu tiên là nền tảng công nghệ.
Khá bất ngờ khi những “ông lớn” như VietinBank gần đây mới hoàn tất quá trình đầu tư công nghệ ngân hàng lõi mới; hay Vietcombank dự kiến cuối năm nay mới xong việc chuyển đổi “đời cũ” lên “đời mới”…
Và mỗi dịp lễ tết, mùa cao điểm rút tiền qua ATM hoặc cao điểm giao dịch trực tuyến, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn thường tái hiện tình trạng tắc cứng, tê liệt cục bộ.
Ngay khi sở hữu một nền tảng công nghệ mạnh, các ngân hàng còn phải đối diện với tình trạng tài khoản bỏ quên, thẻ rác, ví điện tử ngủ đông… Mà theo người trong cuộc, đây chính là điểm sống còn, buộc họ phải không ngừng vận động, cạnh tranh và sáng tạo để đánh thức tiềm năng sử dụng.
“Nếu bạn không khác biệt, không giữ được tính kết nối thường xuyên với khách hàng, ứng dụng và sản phẩm của bạn sẽ bị lãng quên. Đây là điểm mấu chốt mang tính sống còn”, ông Shameek Bhargava, Giám đốc khối VPDirect của VPBank nói, trong thông tin trao đổi với BizLIVE về xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam hiện nay.
Theo đó, một xu hướng mới đang bắt đầu mở ra tại Việt Nam: kết hợp dịch vụ ngân hàng với các nhu cầu thường nhật của khách hàng trên cùng một sản phẩm. Cạnh tranh ở đây dự báo sắp đến hồi quyết liệt.
Mở đầu, cuối 2018, VPBank ra mắt ngân hàng số YOLO, gói các dịch vụ ngân hàng với các tiện ích như gọi xe, nghe nhạc, xem phim, đặt đồ ăn, mua sắm… trên cùng một sản phẩm.
Mục tiêu thu hút mỗi 1 USD đến đây không còn “đơn giản” nữa, mà ông Shameek Bhargava cho biết ngân hàng vẫn đang tiếp tục đầu tư và còn quá sớm để nói về lợi nhuận.
Nhưng, chỉ sau khoảng bốn tháng mở hàng, YOLO đã thu hút gần 800.000 khách hàng sử dụng, đạt hơn 500.000 giao dịch với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.
Dù đơn lẻ của một thành viên, của một sản phẩm, nhưng những con số đó cho thấy sức thu hút của một xu hướng mới, mà dự báo sẽ thúc đẩy cạnh tranh hơn nữa giữa các ngân hàng trên thị trường Việt.