Ngân hàng rục rịch công bố lợi nhuận năm 2022
Thông tin từ BIDV cho biết, đến hết 31/12/2022, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng.
Trước đó, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, ngân hàng đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng tăng 39% so với năm 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng) và đạt 119% kế hoạch năm 2022.
Tại VietinBank, ông Trần Minh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1,2%, tỷ bao phủ nợ xấu đạt 190%.
Trao đổi với báo chí, đại diện Agribank cũng cho biết nhà băng này đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022.
Bên nhóm tư nhân, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của TPBank ước đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. Trước đó, lãnh đạo VIB dự báo lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022 nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao là 10.500 tỷ, tương đương với 8.400 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Các ngân hàng thận trọng về triển vọng kinh doanh năm 2023
Theo kết quả điều tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2022 có sự ''cải thiện'' tốt hơn với tỷ lệ % TCTD nhận định ''cải thiện'' (70,9%) cao hơn so với quý trước (63,8%) và kỳ vọng (70,4%).
Lợi nhuận trước thuế được nhận định tiếp tục có tăng trưởng nhưng chưa đạt mức kỳ vọng. Tính chung trong năm 2022, 80% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tổng thể ''cải thiện'' so với năm 2021, 87% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, bên cạnh đó, vẫn có 9,3% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.
Các TCTD tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4-75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt tiêu chuẩn cho vay đầu tư kinh doanh BĐS
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các Tổ chức tín dụng (TCTD) do NHNN thực hiện , dự báo 6 tháng tới và năm 2023, các TCTD quan ngại mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng nhẹ ở hầu hết các lĩnh vực ngoại trừ một số lĩnh vực cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cho vay công nghiệp chế biến chế tạo được kỳ vọng rủi ro giảm. Hai lĩnh vực được dự báo vẫn tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023, 61,6%- 64,6% TCTD dự kiến giữ nguyên tiêu chuẩn tín dụng, chỉ có 19,2%-20,2% TCTD dự kiến “thắt chặt nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình, tuy nhiên mức độ thắt chặt đã giảm so với 6 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2022, đồng thời có 16,2-17,2% TCTD dự kiến “nới lỏng”.
Dự kiến “thắt chặt” chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực “Cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản”, “Cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm”, khoản vay trung, dài hạn và khoản vay bằng ngoại tệ. Theo nhận định của các TCTD, nguyên nhân chủ yếu là do “Mức độ rủi ro của thị trường” tăng lên (“Rủi ro từ phía khách hàng”; “Rủi ro ngành nghề”) cùng với những thách thức về triển vọng kinh tế.
Thêm ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023
TPBank thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào 17/1/2023 để lấy ý kiến về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023. Thời gian thực hiện lấy kiến là từ ngày 31/1 – 12/2/2023.
TPBank là ngân hàng mới nhất công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm dành nguồn lực củng cổ nền tảng vốn và hỗ trợ khách hàng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, VPBank, ACB và VIB cũng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.
SMBC đã thoái vốn khỏi Eximbank?
Phiên giao dịch 13/1 ghi nhận hơn 134 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,8% vốn điều lệ Eximbank) được trao tay qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị giao dịch lên tới 3.421 tỷ đồng, trong đó, phần lớn các cổ phiếu EIB được giao dịch ở mức giá 25.500 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản EIB tăng vọt nhờ hoạt động sang tay của khối ngoại cho khối nội. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB, giá trị gần 3.420 tỷ đồng.
Thông tin về cổ đông bán ra lượng cổ phiếu trên chưa được công khai, song với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Eximbank trước phiên giao dịch ở mức 18,95% thì nhiều khả năng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông nước ngoài nắm giữ 15% tại ngân hàng này đã thoái vốn trong phiên cuối tuần vừa qua.
Trước đó, ngày 18/3/2022, định chế tài chính đến từ Nhật Bản đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
NHNN ngày 18/10/2022 cũng đã có văn bản "chấp thuận việc bán, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần EIB do SMBC sở hữu ở Eximbank"
Mặt khác, ông Võ Quang Hiển, đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SMBC cũng thông báo không còn là thành viên HĐQT tại nhà băng này. Với động thái này, các giao dịch mua/bán cổ phiếu EIB của SMBC không cần đăng ký trước, như đối với trường hợp người có liên quan.