Các thành viên thị trường tài chính đã bắt đầu “định giá” những mất mát mà các ngân hàng phải gánh chịu khi thị trường bất động sản Trung Quốc có dấu hiệu lung lay.
Việc giá nhà giảm 30% có thể gây ra 4% tổn thất trong tổng số nợ trị giá 4,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (615 tỷ USD), theo đánh giá của DBS Vickers Hong Kong Ltd.
Bên cạnh đó, Pacific Investment Management Co dự báo, tỷ lệ nợ không thanh toán được tại Trung Quốc có thể đạt đỉnh 6% trong vài năm tới, từ mức 1,75% hiện tại, trong đó nguyên nhân chính tới từ lĩnh vực bất động sản.
Con số thiệt hại mà các ngân hàng phải gánh chịu trong hoàn cảnh này tại Trung Quốc còn khoảng cách khá xa so với số 1,3 nghìn tỷ USD tại Mỹ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, tuy nhiên, các nhà kinh tế học đang thúc giục giới chức Trung Quốc nhanh chóng có động thái giải cứu hệ thống ngân hàng, trong đó có củng cố thị trường chứng khoán và tăng chi phí cho vay.
Ma Jun, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, bong bóng bất động sản Trung Quốc cần phải được kiềm chế sau khi giá nhà đã tăng tới 60% tại các thành phố phía nam Thâm Quyến trong năm nay.
“Mức độ gia tăng giá nhà hiện nay tại Trung Quốc khá bất thường, chúng tôi chưa từng chứng kiến tình trạng này trong những năm gần đây.
Việc giá nhà tăng tới 30% so với năm trước, thậm chí cao hơn nữa, là một hiện tượng bong bóng kỳ lạ”, Roland Mieth, nhà quản lý đầu tư các thị trường mới nổi tại Pimco cho biết.
Trong báo cáo mới nhất của Deutsche Bank AG, nhà băng này đánh giá lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ chứng kiến những điều chỉnh khắc nghiệt năm 2018, khi tình trạng tăng trưởng nóng lan tỏa tới nhiều thành phố hơn.
Trong khi đó, Goldman Sachs Group Inc cho rằng, tính chất bất ổn ngày càng gia tăng tại lĩnh vực bất động sản sau khi giá nhà liên tục xuyên thủng các đỉnh trước đó.
“Lĩnh vực bất động sản là mối lo ngại lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Nếu giá bất động sản giảm mạnh, nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng các khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản đầu tiên, bởi họ là đối tượng sử dụng đòn bẩy cao.
Tiếp theo đó là ảnh hưởng tới các tài sản thế chấp”, Shujin Chen, chiến lược gia ngân hàng cho biết.
Hiện tại, tổng các khoản nợ của 144 công ty xây dựng, bất động sản niêm yết tại Trung Quốc đã tăng lên gấp 8,1 lần lợi nhuận trước thuế, khấu hao, so với mức 4,9 lần cách đây 5 năm, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg.
Tổng số nợ của các công ty này cũng tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 2,8 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các nhà băng tăng cường hoạt động cho vay mà lơ là các quy tắc đảm bảo an toàn.
Theo đó, số lượng các khoản vay bằng tài sản thế chấp tại Trung Quốc đã tăng 31% trong nửa đầu năm 2016, mức tăng gấp 3 lần so với tăng trưởng cho vay chung.
Các khoản nợ của nhóm khách hàng cá nhân chiếm 71% trong tổng các khoản vay mới trong tháng 8/2016, từ mức 24% trong tháng 1.
“Các nhà băng Trung Quốc đang mở rộng hoạt động cho vay bằng tài sản thế chấp một cách mạnh mẽ.
Các khoản nợ này có thể trở thành nợ không thể thanh toán được, khi giá nhà đang tăng quá nóng”, Christine Kuo, Phó chủ tịch Bộ phận dịch vụ khách hàng của Moody’s Hong Kong cho biết.
Fitch Ratings ước tính, các khoản nợ của nhà băng Trung Quốc, bao gồm cả tài trợ vốn ngoài bảng và cho vay doanh nghiệp sử dụng tài sản thế chấp là bất động sản, có thể chiếm tới 60% tổng các khoản tín dụng.
“Giá nhà tại Trung Quốc sẽ nhanh chóng suy giảm trước nhiều áp lực. Khi điều này xảy ra, nó thường sẽ rất khó để điều chỉnh trở lại theo xu hướng tích cực.
Khi đó, các khoản thế chấp bằng đất đai và bất động sản khó lòng khôi phục được giá trị, biến khoản nợ trở thành nợ xấu đối với các nhà băng”, Grace Wu, chiến lược gia tại Fitch cho biết.