Ngân hàng tiếp tục lãi “khủng” nhờ đâu?

Hà Anh |

Hiện mới chỉ có một số ngân hàng công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019, song tất cả đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh

Sau năm bội thu 2018, không ít chuyên gia ngân hàng cho rằng, lợi nhuận của các nhà băng đã đạt đỉnh và không thể có sự tăng trưởng ấn tượng như vậy trong năm 2019 khi mà NHNN đang có chủ trương siết chặt tăng trưởng tín dụng, nhất là tín dụng trung và dài hạn – mảng hoạt động đóng góp tới 70 – 80% doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng.

Chưa hết, theo dự báo của Công ty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương (VCBS), tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của hệ thống ngân hàng khó cải thiện trong 2019 do các nguyên nhân: Lãi suất huy động chịu áp lực tăng, trong khi lãi suất cho vay cần được duy trì ổn định để đảm bảo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Cải thiện cấu trúc vốn để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư 06/2016/NHNN (tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa là 40%)…

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Mặc dù hiện mới chỉ có một số ngân hàng công bố báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm, song đáng chú ý là tất cả đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.

Theo đó, nếu xét về con số tuyệt đối thì Vietcombank vẫn đang dẫn đầu với con số lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 11.045 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Lợi nhuận hợp nhất đạt 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ, thực hiện 55% kế hoạch năm 2019. Có thể khẳng định đây là một kỷ lục mới về lợi nhuận của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm.

Đứng thứ hai trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh bán niên là ACB với 3.620 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng qua, tương đương 49% kế hoạch năm. Kế đó có thể kể tới là MB với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 cũng đạt tới 2.424 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ…

Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất lại đang thuộc về VIB và TPBank. Theo đó, kết thúc tháng 6, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 1.820 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, TPBank cũng đạt 1.620 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn 58% so với cùng kỳ và đạt 50,6% kế hoạch 2019. Xếp kế tiếp có lẽ là VPBank với lợi nhuận trước thuế đạt tới 4.375 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

… vẫn nhờ tín dụng

Xu thế trên cũng đã được dự báo từ khá sớm. Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh quý III/2019 vừa được NHNN công bố cho thấy, có tới 76% TCTD nhận định tình hình kinh doanh quý II/2019 cải thiện tốt hơn so với quý I/2019, trong đó có 15,6% cho rằng mức độ cải thiện là nhiều.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả kinh doanh lạc quan nhự vậy, theo đánh giá của các TCTD, là do "nhu cầu vay vốn tiếp tục được nhận định ở mức cao hơn nhu cầu tiền gửi, thanh toán và thẻ…".

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng của các ngân hàng cũng phần nào cho thấy, lợi nhuận "khủng’ mà các nhà băng có được phần lớn đến từ mảng tín dụng, trong đó hiệu suất cao nhất là mảng tín dụng bản lẻ với NIM cao hơn.

Đơn cử như Vietcombank, kết thúc tháng 6, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đạt 697.240 tỷ đồng, tăng 9,7% so với 2018, hoàn thành 101,3% kế hoạch 6 tháng 2019. Đáng chú ý là tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng lên mức 48% tổng dư nợ, so với mức 45,4% nửa đầu năm trước.

"Ngay từ đầu năm, Vietcombank triển khai quyết liệt và có hiệu quả các dự án chuyển đổi ngân hàng bán lẻ, chuyển đổi ngân hàng số...", ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra cuối tuần trước.

Hay như ACB, trong 6 tháng đầu năm nay, tín dụng của nhà băng này cũng tăng thêm 20.000 tỷ đồng tương đương tốc độ tăng 9%. Cũng may ACB vừa được NHNN nới room tín dụng từ mức 13% lên 17%, nếu không với mức tăng trên, ngân hàng này đã xài hết tới gần 70% hạn mức tín dụng được phân bổ cho dù mới đi hết một nửa chặng đường của năm 2019.

Cụ thể hơn, Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của VIB cho thấy, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của VIB đạt 6.274 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần giúp thu nhập lãi thuần lên 2.917 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ.

Sở dĩ như vậy một phần cũng bởi dư nợ cho vay khách hàng của VIB đã tăng thêm tới 18.345 tỷ đồng (tương đương tăng 19,1%) trong 6 tháng đầu năm nay lên 114.484 tỷ đồng. Không chỉ tăng mạnh tín dụng mà nhà băng nay còn hướng manh tín dụng vào tín dụng tiêu dùng vốn có biên lợi nhuận cao hơn.

Cụ thể, tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân và cho vay khác chiếm tới 75,53% dư nợ cho vay khách hàng cùa nhà băng này.

Bình luận về kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay, một chuyên gia ngân hàng cho biết, kết quả này mang đến cả niềm vui và nỗi lo.

Mừng là bởi lợi nhuận tăng trưởng tích cực sẽ giúp các nhà băng nâng cao năng lực tài chính, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng chống chịu lại các cú sốc từ bên ngoài trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Nhưng lo ở chỗ lợi nhuận của các ngân hàng vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng.

Đặc biệt là mức lợi nhuận cao trong 6 tháng qua là do các nhà băng đẩy mạnh tín dụng vào những phân khúc có biên lợi nhuận cao như cho vay tiêu dùng, song đi kèm theo đó rủi ro cũng rất lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại