Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa phát thông báo đấu giá tài sản gắn liền với đất thuộc khu đô thị du lịch sinh thái FLC, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty Đấu giá Hợp danh Thành Trí.
Trong danh mục tài sản này sẽ bán chung toàn bộ, không bán riêng lẻ. Giá khởi điểm của tài sản là hơn 549 tỷ đồng, tiền đặt trước là 27 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm nêu trên đã thấp hơn giá khởi điểm được đưa ra vào tháng 9/2023 là 610 tỷ đồng.
Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn do CTCP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 8/2014, với quy mô 200 ha. OCB là một trong những chủ nợ lớn của Tập đoàn FLC. Tại ngày 31/3/2022, FLC vay OCB hơn 713 tỷ đồng ngắn hạn và 818 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu.
Trước đó, Agribank liên tục rao bán các khoản nợ thế chấp bằng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng lớn. Cụ thể, Agribank Chi nhánh Đống Đa ngày 4/10 thông báo bán đấu giá lần 2 khoản nợ của CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) – chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của doanh nghiệp này là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án “Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia – Khu B” tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.
Giá khởi điểm cho khoản nợ lần này là gần 1.031 tỷ đồng, giảm hơn 110 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 9.
Trước đó, Khu A (bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) thuộc Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia cũng được một ngân hàng lớn rao bán để thu hồi khoản nợ 540 tỷ đồng của Marina Hotel.
Hồi đầu tháng 8, Agribank chi nhánh Tràng An đã rao bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng. Nhiều khoản nợ trong số này đã được rao bán tới lần thứ 4.
Bên cạnh đó, nhà băng này còn một khoản nợ phải thu hồi với CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc, giá khởi điểm rao bán lần thứ 3 gần 253 tỷ đồng.
Các khoản nợ này có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải. Đây là Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng này do chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh, được khởi công chính thức vào cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng Agribank còn rao bán hàng loạt các bất động sản nghỉ dưỡng khác tại Bình Thuận, Vĩnh Long,...
Đánh giá về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Phó giám đốc R&D DKRA Group Võ Hồng Thắng cho rằng, phân khúc này cần ít nhất 3 năm nữa mới tìm lại thế cân bằng. Do vậy, nhiều khả năng thanh khoản của các tài sản ven biển vẫn tiếp đà suy giảm trong ngắn hạn.
Dưới một góc nhìn khác, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, sự khó khăn của các chủ đầu tư ở phân khúc này thể hiện rõ khi sản phẩm tồn kho tăng. Bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thị trường nói chung trầm lắng. Do vậy, trong khi chờ đợi thị trường hồi sinh từ thị trường chung thì các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cần đưa ra chính sách bán hàng với giá cả phù hợp, hỗ trợ người mua để tăng kích cầu cho thị trường ở phân khúc này.