Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Tây (BIDV Hà Tây) vừa thông báo đấu giá tài sản là 3 chiếc xe ô tô gồm: 1 xe ô tô con Toyota Camry LE màu đen, biển kiểm soát 30F-2140, sản xuất năm 2007; 1 xe ô tô con Toyota Camry 3.5Q màu đen, biển kiểm soát 30T-8418, sản xuất năm 2009; và 1 xe ô tô bán tải Toyota Hilux, biển số 29C – 496.69, sản xuất năm 2015.
Đáng chú ý, BIDV công bố mức giá khởi điểm cho cả lô 3 chiếc xe trên với giá chỉ 1.001.000.000 đồng (Một tỷ không trăm lẻ một triệu đồng). Thời gian đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 20/11/2020.
Trên thị trường hiện nay, một chiếc Camry 3.5Q có giá niêm yết (chưa kể thuế, phí) là 1,5 tỷ đồng, và Camry LE là 1 tỷ đồng. Trong khi đó, một chiếc xe bán tải Toyota Hilux mới được niêm yết các mức giá từ 669-979 triệu đồng.
Mới đây, Vietcombank cũng rao bán đấu giá chiếc xe ô tô con Toyota Land Cruiser Prado sản xuất năm 2016 với giá khởi điểm chỉ 1,384 tỷ đồng, rẻ hơn khoảng 1 tỷ đồng so với xe mới hiện nay.
Ảnh minh họa.
Thậm chí, Techcombank còn rao bán cả xe chở tiền Mitsubitshi với giá khởi điểm chỉ 110 triệu đồng, hay chiếc Chevrolet Aveo sản xuất năm 2015 được định giá khởi điểm là 174 triệu đồng.
Đáng giá hơn, một chiếc Ford Ranger sản xuất năm 2016 được Techcombank phát giá khởi điểm 639 triệu đồng, một xe Hyundai Avante sản xuất năm 2014 được rao bán với giá 339 triệu đồng, xe Kia Rio đăng ký năm 2015 với giá 276 triệu đồng.
Không chỉ đấu giá các xe sang, gần đây các ngân hàng cũng đồng loạt rao bán xe ô tô khách để thu hồi khoản nợ. BIDV Chi nhánh Thành Nam mới đây tiếp tục rao bán xe ô tô khách Samco BKS 18B – 012.26. Chiếc xe này từng thuộc sở hữu của một doanh nghiệp vận tải và đã được BIDV nhiều lần công khai rao bán nhưng bất thành.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng vừa rao bán chiếc xe tải JAC sản xuất năm 2015 với giá 151.200.000 đồng. Ngân hàng này cũng vừa rao bán 2 chiếc xe tải 18 tấn với giá 338 triệu đồng/chiếc.
Theo giới chơi xe, xe thanh lý từ các ngân hàng thường có mức giá khởi điểm thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường, tuy nhiên người mua phải sẵn sàng đối mặt với nhiều thủ tục giải quyết phức tạp hơn, nếu không xem xét kỹ có thể vướng vào tranh chấp pháp lý.
Bên cạnh đó, người mua cũng không có bất kì chính sách nào đảm bảo chất lượng chiếc xe hay việc bảo hành, bảo dưỡng như khi mua tại salon xe chuyên nghiệp.
Thậm chí, ngân hàng có thể đưa ra mức giá rất thấp để thu hút nhiều người quan tâm tham gia phiên đấu giá, đến khi bán đấu giá, do cạnh tranh nhau người mua sẽ trả giá cao lên. Với hình thức mua bán đó, đôi khi giá bán chiếc xe thực sự sẽ không rẻ như người mua vẫn nghĩ.
Hơn nữa, mức giá đấu khởi điểm được ngân hàng đưa ra chưa bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản nên khó có thể kỳ vọng mua được xe giá rẻ hơn so với giá ngoài thị trường.
Mục đích chính của các ngân hàng là thu hồi nợ xấu ở mức cao nhất có thể, nên mức giá khởi điểm đều phải tuân thủ nguyên tắc thị trường nhằm thu lại vốn cho tổ chức tín dụng.
Để ra được mức giá khởi điểm, tổ chức tín dụng phải dựa vào chứng thư thẩm định giá của một đơn vị độc lập là một công ty thẩm định giá, đó là mức giá thực tế trên thị trường.
Theo chia sẻ của một nhân viên bán xe ô tô có thâm niên, để mua được xe cũ từ ngân hàng, người mua cũng cần am hiểu về các dòng xe để có thể đánh giá chất lượng, hoặc có thể nhờ người am hiểu đánh giá hộ. Bởi mặc dù các xe ô tô thế chấp tại ngân hàng, nhưng ngân hàng chỉ giữ bản gốc đăng ký xe và bảo hiểm, tài sản được các "con nợ" sử dụng, nên ngân hàng không thể biết được tình trạng thực sự của tài sản ở mức nào.
Do đó, tùy từng chất lượng xe như xe chưa đâm đụng, chưa hao mòn lốp hoặc ít đi, chất lượng còn tốt và xe đẹp sẽ được bán với giá cao. Ngược lại, những xe đã bị đâm đụng, người có nghề dễ dàng phát hiện ra và sẽ bị ép giá.