Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM tại tọa đàm Khơi thông vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mùa cuối năm ngày 29/10 do Thời báo Kinh tế SG tổ chức.
Chia sẻ tại tòa đàm, các diễn giả đã đề cập đến câu chuyện doanh nghiệp và nhỏ tiếp cận với nguồn tài chính từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh một năm đầy biến động vì Covid-19.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, những con số thống kê về doanh nghiệp rút lui có thế vẫn chưa đầy đủ bởi vẫn còn một số lượng doanh nghiệp rất lớn âm thầm đóng cửa. Mặc dù trong 9 tháng vừa qua doanh nghiệp cũng cảm nhận được sự đồng hành của Chính phủ để vượt qua khó khăn, tuy nhiên khả năng hấp thụ chính sách là còn rất thấp. Trong đó, số doanh nghiệp đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ là chưa nhiều.
“Nếu nói về chính sách thì chính quyền TPHCM không có thẩm quyền ban hành theo những gì doanh nghiệp mong muốn, chủ yếu vẫn là chính sách hỗ trợ. Còn chính sách ở tầm quốc gia thì vẫn chưa mang hiệu quả bởi cả hai chủ thể xoay quanh chính sách đều chưa tìm được tiếng nói chung”, ông Dũng cho hay.
Đại diện phía ngân hàng nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng, ngân hàng là khu vực đi tiên phong trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ với Thông tư 01 trực tiếp đồng hành với cho doanh nghiệp. Đồng thời các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại khoản nợ và giảm lãi tiền vay và cho vay ưu đãi mới. Sau 6 tháng đã hỗ trợ được hơn 248 ngàn khách hàng với tộng dư nợ 720 ngàn tỉ đồng chủ yếu là cơ cấu lại nợ. Thông tư 01 đã thể hiện được sự đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp, giúp họ thoát khỏi nợ xấu, giảm chi phí quản lý… nhằm khôi phục tình hình kinh doanh trong thời gian tới.
“Từ đây đến cuối năm chúng tôi yêu cầu các ngân hàng không được nói thiếu vốn nếu như các doanh nghiệp có phương án kinh doanh. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2020 là 14%, nếu tính tới tháng 10 này đã ghi nhận 6% vậy còn lại 8% cần hoàn thành. Tính trên dư nợ ở TPHCM thì số phần trăm này ước tính còn 200.000 tỉ đồng cho vay cuối năm. Nếu ngân hàng nào hết room tín dụng thì liên hệ với ngân hàng nhà nước để xem xét nới rộng ra”, ông Minh cho hay.
Ở góc nhìn của ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt cho rằng, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp SMEs có rào cản lớn nhất là triển khai phương án hiệu quả kinh doanh. Nếu khả thi và ngân hàng thấy được cơ cấu dòng tiền thì ngân hàng sẵn sàng cho vay bởi hiện tại vẫn không thiếu vốn. Để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong thời điểm cuối năm thì đối với ngân hàng Bản Việt vẫn ưu tiên SMEs và tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và nông nghiệp…
Tuy vậy nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng vẫn phải có tài sản thế chấp để vay vốn, còn lại tín chấp hay vay dự trên sản phẩm hình thành trong tương lai ngân hàng vẫn cho là rủi ro. Vì vậy việc tiếp cận vẫn rất khó khăn nếu không phải là khách hàng thân thiết và có tài sản đảm bảo. Mùa cuối năm nhu cầu vốn rất lớn không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn chăm lo đời sống công nhân viên. Doanh nghiệp nhỏ đang rất vất vả để xoay sở nên cần nới lỏng điều kiện cho vay để tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Phản hồi vấn đề này, các đại diện ngân hàng cũng cho hay việc tài sản đảm bảo không quá quan trọng. Điều cốt lõi là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần công khai minh bạch dòng tiền và tạo điều kiện cho ngân hàng quản lý dòng tiền thì việc giải ngân sẽ dễ dàng hơn.
Bởi việc nới lỏng điều kiện cho vay cũng cần phải phù hợp với các quy định kiểm soát nợ xấu. Phương án kinh doanh khả thi chính là sự nỗ lực tìm kiếm khách hàng, thị trường tiêu thụ hàng hóa hợp lý của doanh nghiệp chứ không phải là cam kết doanh thu lợi nhuận.