Người dân chờ bên ngoài ngân hàng đông không kém ở sân bay Kabul. Ảnh: Aljzeera
Theo Aljazeera, các ngân hàng ở Kabul phần lớn đóng cửa vào chiều 15/8, chỉ trước khi cựu Tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy và Taliban tiến vào thủ đô.
Ban đầu, các ngân hàng đóng cửa do sợ cảnh đổ máu và cướp phá khi Taliban vào Kabul. Sau vài ngày, các ngân hàng vẫn đóng cửa do Mỹ quyết định cắt đứt đường tiếp cận 7 tỷ USD dự trữ tiền mặt và vàng của Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng chặn tiếp cận 460 triệu USD khoản tiền được phân bổ tuần này.
Các quyết định trên được dưa ra chỉ vài ngày sau khi hàng chục nghìn người dân đổ tới các ngân hàng và cây ATM khắp Kabul để rút càng nhiều tiền càng tốt trước khi Taliban vào.
Tại một xã hội chủ yếu tiêu tiền mặt như Afghanistan, mối lo thiếu tiền mặt chỉ vài ngày trong khi một chế độ khác lên nắm quyền đã khiến mọi người cảm thấy lo lắng.
Massoud, 35 tuổi, đã ở Kabul 10 ngày qua, lo lắng về cách chu cấp cho gia đình ở tỉnh Kunduz. Anh có khoảng 232 USD trong ngân hàng nhưng ngay cả khi ngân hàng mở cửa lại, tiếp cận cũng phải mất vài ngày nữa.
Tới 10 giờ sáng 25/8, Massoud đã chờ 4 tiếng và vẫn chưa để vào bên trong tòa nhà ngân hàng. Để kiếm sống ở Kabul, anh làm lao động ban ngày, nhưng khi công việc ngừng trệ, anh không có cách nào kiếm đủ việc để có tiền về Kunduz.
Nhiều người không đủ bình tĩnh đã đập phá cửa kính. Ảnh: Aljazeera
Còn Abdul là thành viên lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan đóng ở một huyện tại tỉnh Kabul. Anh cho biết khi Taliban kiểm soát an ninh ở Afghanistan, đây có thể là lần cuối phần lớn thành viên lực lượng an ninh như anh nhận lương.
Trong khi đó, một người tên Wafiullah làm việc tại Bộ Nội vụ cũng đã xếp hàng chờ 4 tiếng để rút 1.742 USD còn trong tài khoản. Mặc dù nhà anh có 8 người nhưng anh vẫn may mắn vì có đủ tiền mặt dùng trong ba tháng. Tuy nhiên, anh không chắc có kiếm được việc trong tương lai không và cho rằng ngân hàng sẽ khó có thể phục vụ đủ người đang chờ rút tiền.
Căng thẳng vì không biết ngân hàng còn bao nhiêu tiền nữa, cộng với số giờ chờ đợi đã khiến đám đông bên ngoài Ngân hàng Kabul Mới ở khu vực Shahr-e-Naw mất bình tĩnh.
Sau khi xếp hàng quá lâu trên phố, đám đông bắt đầu đập cửa sổ ở hành lang trước dẫn vào bên tròn ngân hàng. Khi kính vỡ tan, đám đông bắt đầu hò reo và gào thét, còn những người khác lại tranh thủ hỗn loạn để chen ngang hàng. Tình hình vô cùng căng thẳng.
Hàng dài người chờ bên ngoài một cây ATM ở Kabul. Ảnh: AFP
Một khách hàng xếp hàng nhìn đám đông ẩu đả và nói: “Các ngân hàng giờ như một sân bay mới”, ý muốn so sánh với cảnh hàng nghìn người tập trung bên ngoài cổng vào sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, đối mặt với bạo lực và nguy cỡ chết vì bị giẫm đạp.
Người dân bên ngoài ngân hàng cho biết phần lớn họ có thể vay họ hàng, đồng nghiệp khoản tiền nhỏ khi cần thiết, nhưng không bền vững khi mà các văn phòng tư nhân tiếp tục đóng cửa và các cửa hàng thương mại không còn mấy khách hàng từ khi Taliban lên cầm quyền.
Taliban dần mở lại các văn phòng chính phủ. Tuần trước, Taliban cho biết Bộ Tài chính sẽ đảm bảo trả tiền lương cho mọi công chức Afghansitan, nhưng nhiều người vẫn còn hoài nghi.
Một nhân viên ở Bộ Tài chính cho biết đã không tới văn phòng kể từ khi Taliban cầm quyền vì không chắc họ có cần anh không.
Ngày 23/8, Taliban đã chỉ định Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan, nhưng khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ không dễ dàng.
Vào ngày mà các ngân hàng mở cửa lại, Ngân hàng Thế giới thông báo cũng sẽ cắt viện trợ cho Afghanistan.
Các cố vấn kinh tế và doanh nhân cho biết mọi động thái trừng phạt và hủy viện trợ sẽ khiến tình hình tài chính ở Afghanistan không trụ nổi và Taliban sẽ phải tìm cách giành niềm tin và gia nhập lại thị trường toàn cầu.