Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ của Chứng khoán MBS ghi nhận, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục không thực hiện thêm giao dịch nào trên thị trường mở (OMO), đồng thời bơm trả lại hệ thống thanh khoản hơn 58.000 tỷ đồng trong tuần vừa qua. MBS ước tính, tuần đầu của tháng 12 sẽ ghi nhận khoảng 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, toàn bộ lượng tiền NHNN đã hút sẽ quay trở lại hệ thống.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm và gần như đi ngang trong hai tuần trở lại đây, cụ thể lãi suất qua đêm đã giảm xuống mức 0.1%. Lãi suất tại các kỳ hạn dưới 1 tháng khác cũng hạ nhiệt và đang giao dịch trong khoảng 0.2- 0.8%.
Đáng chú ý, ngân hàng thương mại tiếp tục có đợt giảm lãi suất huy động, cụ thể lãi suất kỳ hạn 12 tháng của VCB đã giảm xuống còn mức thấp nhất lịch sử là 4.8%, nhiều NHTMCP khác cũng đã đưa lãi suất huy động cao nhất về quanh mốc 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Hiện tại, lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 5,1%, giảm 34% so với đầu năm.
Lãi suất huy động của các nhóm ngân hàng (%/năm).
Tỷ giá USD/VNĐ diễn biến trái chiều tại các thị trường. MBS dự báo tỷ giá sẽ dao động trong vùng 24.300-24.500 VNĐ/USD trong các tháng cuối năm. Dự báo đưa ra trong bối cảnh chênh lệch lãi suất USD và VNĐ vẫn duy trì, đồng thời nhu cầu ngoại tệ tăng cao thường xảy ra trong giai đoạn cuối quý.
Chuyên gia của MBS nhận định một vài yếu tố vĩ mô tích cực như: thặng dư thương mại 11 tháng năm 2023 đạt mức ấn tượng 25,8 tỷ USD, lượng kiều hối dự kiến đạt 14 tỷ USD trong năm 2023, FDI thực hiện đạt 20,2 tỷ USD… sẽ góp phần giảm áp lực lên tỷ giá cuối năm.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận thị trường và Chính sách vĩ mô, Chứng khoán VNDirect - cũng nhận định, tỷ giá USD/VNĐ sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong giai đoạn cuối năm 2023 do Fed có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất và kỳ vọng tỷ giá USD/VNĐ sẽ dao động trong khoảng 24.300 - 24.400.
Ông Hinh nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng, như thặng dư thương mại cao kỷ lục, thặng dư tài khoản vãng lai cao, và FDI và kiều hối ổn định.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm. Lãi suất tiền gửi đã về mức thấp, như đã từng thấy trong giai đoạn COVID-19 (2021- 6 tháng đầu năm 2022) do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu. Tính đến ngày 31/10, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 7,39% so với đầu năm, cách xa mục tiêu 14% cho cả năm 2023. Ngoài ra, Chính phủ còn thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Ông Hinh kỳ vọng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ ở mức 5,2%/năm vào cuối năm nay. Theo đó, lãi suất cho vay cũng tiếp tục xu hướng giảm trong tháng cuối năm, nhờ chi phí huy động của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây.