Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 6,09% so với đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng 9,4% cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, thống kê từ BCTC của 27 ngân hàng cũng cho thấy mức tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng trong 9 tháng đầu năm cũng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước. Tổng dư nợ cho vay của 27 ngân hàng này đến cuối tháng 9/2020 đạt hơn 6,27 triệu tỷ, tăng 5,8% so với đầu năm.
Sự phân hóa mạnh
Tốc độc tăng trưởng cho vay khách hàng trong hệ thống có sự phân hóa mạnh, một số ngân hàng tăng trưởng âm, trong khi cũng có nhiều ngân hàng tăng trưởng trên 10%.
NamABank là ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm, với mức tăng tới 27,3% lên hơn 86.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng cũng có tăng trưởng trên 2 chữ số, chủ yếu là ngân hàng tầm trung, ngân hàng nhỏ như LienVietPostBank tăng 13,3% đạt 159.149 tỷ đồng; VIB tăng 15,4% đạt 148.996 tỷ; TPBank tăng 15,4% đạt 110.340 tỷ đồng; OCB tăng 11,4% lên 79.178 tỷ đồng; MSB tăng 15,5% đạt 73.430 tỷ đồng; VietCapitalBank tăng 12% đạt 38.072 tỷ đồng.
Trong các ngân hàng lớn, chỉ có ACB, SHB và HDBank tăng trưởng dư nợ cho vay trên 10%. Cụ thể, ACB tăng 10,6% đạt 295.209 tỷ đồng; SHB tăng 10,2% đạt 292.207 tỷ đồng; HDBank tăng 12,4% đạt 164.463 tỷ đồng.
2 ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất là BIDV, VietinBank đều có tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn mặt bằng; lần lượt tăng 2,5% đạt hơn 1,14 triệu tỷ và tăng 2,4% đạt hơn 958 nghìn tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng khác còn tăng trưởng cho vay rất thấp và thậm chí sụt giảm so với đầu năm. Chẳng hạn, dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank gần như không thay đổi sau 9 tháng, sụt giảm nhẹ 86 tỷ đồng so với đầu năm. SeABank giảm 0,8% xuống 97.871 tỷ đồng; Saigonbank giảm 3,2% xuống 14.092 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có ngân hàng sụt giảm mạnh tới hơn 10% là Eximbank với dư nợ cho vay giảm mạnh từ 113.255 tỷ đồng xuống còn 101.302 tỷ đồng, tức giảm tới 10,6%.
Cho vay tăng chậm, ngân hàng đầu tư sang trái phiếu
Trong khi dư nợ cho vay tăng chậm do khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19, không có nhu cầu cho vay; một số ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu các TCTD trong 9 tháng đầu năm.
Tại Techcombank, số dư trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng tăng mạnh từ 30.396 tỷ đồng lên 54.445 tỷ đồng (tức tăng tới 79%) trong 9 tháng đầu năm. Số trái phiếu chính phủ cũng tăng mạnh 42% lên 21.073 tỷ đồng.
Theo đó, dù dư nợ cho vay khách hàng không tăng đồng nào, tổng tín dụng của Techcombank (hợp nhất) tăng khoảng 9,1% so với đầu năm, riêng ngân hàng mẹ tăng khoảng 8,3%.
Vietcombank cũng tăng mạnh đầu tư trái phiếu, nhưng chọn cách an toàn hơn khi đầu tư chủ yếu vào trái phiếu của các TCTD. Tại Vietcombank, số chứng khoán nợ do các TCTD khác phát hành tăng khoảng 25,3% lên hơn 76.000 tỷ đồng.
Tại VPBank, chứng khoán nợ cho các tổ chức kinh tế trong nước phát hành tăng mạnh từ 14.223 tỷ đồng lên 38.171 tỷ (tức tăng tới 168%).
Các ngân hàng kỳ vọng tín dụng bứt phá trong quý 4
Theo kết quả khảo sát của Vụ dự báo thống kê NHNN, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD kỳ vọng tăng 4,7% trong quý 4/2020 và tăng 11,4% trong năm 2020. So với kỳ điều tra tháng 6/2020, nhóm NHTMCP nhỏ, nhóm NHTMCP lớn và nhóm NH nước ngoài đều tăng mức kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2020.
Trong khi đó, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 (ngày 2/10), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng đã tăng khoảng 6,1% so với đầu năm.
Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn nhưng doanh nghiệp đã có sự phục hồi và chuyển biến tích cực, linh hoạt. Trên cơ sở các khoản cũ đã được giảm, hoãn, cơ cấu lại, các doanh nghiệp đã mạnh dạn tiếp cận với các khoản vay mới.
Phó Thống đốc cũng cho biết, sắp tới, trong điều kiện dịch kiểm soát tốt như hiện nay, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục diễn biến tích cực thì dư nợ tín dụng có thể tăng 8-10% trong năm nay, trên 9% là con số có khả thi.