Theo báo cáo tài chính 9 tháng của các ngân hàng đã công bố, từ đầu năm tới nay hầu hết các ngân hàng đều mạnh tay gia tăng số lượng nhân sự.
Dẫn đầu trong hệ thống là VietinBank khi công bố nhân sự đã đạt đến 22.141 người tại thời điểm 30/9, tăng thêm 1.117 người so với cuối năm 2015.
BIDV đang có 24.414 người làm việc trong ngân hàng mẹ và các công ty con, ngân hàng con, sau khi tuyển 560 người 9 tháng đầu năm. Đây cũng là ngân hàng có nhân sự đông thứ hai hệ thống chỉ sau Agribank hiện có hơn 40.000 người.
Bám sát ngay sau BIDV và VietinBank là Sacombank. Ngân hàng này cho biết hiện nhân sự là 17.012 người, tăng thêm 527 người so với cuối năm 2015.
Ngân hàng Vietcombank cũng đã tuyển thêm 487 người, nâng tổng nhân sự lên 15.242 người tại thời điểm cuối quý 3 năm nay. Cuối năm 2015 nhân sự của ngân hàng này chỉ 14.755 người.
Nhân sự của Techcombank trong 9 tháng đã tăng thêm 153 người, với tổng cán bộ nhân viên hiện là 7.776 người.
Mới đây, Agribank có thông báo tuyển dụng 969 người cho năm 2016. Đáng chú ý, trong khi các ngân hàng khác tuyển khá rải rác trong năm thì Agribank lại chỉ tuyển một đợt vào tháng 11 hàng năm.
Trước đó hồi đầu năm, nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch tuyển dụng với số lượng hàng trăm, hàng ngàn người. Ngoài nhân sự chính thức, các ngân hàng còn tuyển thêm sinh viên tài năng cũng với chỉ tiêu lên đến cả ngàn người - một nguồn quan trọng để nhà băng có cơ sở chọn lọc cho các chỉ tiêu chính thức.
Trong khi việc tuyển dụng ở các doanh nghiệp có khá nhiều hình thức, nơi thì ưu tiên người thân, quen giới thiệu, chỗ lại thi tuyển với các yêu cầu khắt khe, nơi thì không cần lo lắng về học vấn mà chỉ cần nhiều kinh nghiệm, thì lĩnh vực ngân hàng được xem là tuyển dụng khắt khe nhất với hàng loạt các tiêu chí từ hình thức, học vấn, kinh nghiệm rồi đến sơ tuyển và thi tuyển các vòng.
Theo yêu cầu tuyển dụng của hầu hết các ngân hàng thì tiêu chuẩn đầu tiên là về hình thức và tuổi tác, trong đó hình thức hầu hết nữ phải cao 1m55 trở lên, cá biệt nhiều vị trí đòi hỏi tối thiểu phải 1m60, còn nam phải cao 1m65 trở lên và có tuổi đời dưới 30.
Lý do mà các nhà tuyển dụng đưa ra là ngân hàng phải tiếp xúc thường xuyên với khách hàng, là bộ mặt đại diện cho họ nên đều phải lựa chọn kỹ lưỡng. Trong nhiều trường hợp, cùng với nghiệp vụ tốt thì hình thức của nhân viên ngân hàng đẹp sẽ tạo nên sự chuyên nghiệp hơn, giúp họ có lợi thế cạnh tranh hút khách hàng hơn.
Tiêu chuẩn tiếp theo đó là về học vấn. Các ứng viên phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy dài hạn tập trung các chuyên ngành: Kinh tế, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Kinh tế quốc tế/Kinh tế đối ngoại, Quản trị Kinh doanh, Luật, Công nghệ thông tin (kể cả những ứng viên có bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ). Ngân hàng không nhận hồ sơ của những ứng viên học văn bằng hai, hệ liên thông.
Trước đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng học liên thông và văn bằng hai cũng là học, các ứng viên đều phải có quá trình gian nan rèn luyện và đào tạo.
Tuy nhiên, một chuyên gia đang giảng dạy tại trường Đại học Ngân hàng cho rằng, việc đào tạo các chương trình liên thông, tại chức hay chứng chỉ với chất lượng theo đúng tên gọi của nó, tức là "vừa học vừa làm", thời gian học rất ít bởi người ta còn cần có thời gian để đi làm kiếm tiền và lo cho gia đình, từ đó dẫn đến chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng theo (việc kiểm tra ở trường sẽ dễ hơn là học theo hệ chính quy, và chấm thi cũng sẽ "nới" hơn vì dù sao giáo viên vẫn "chăm chước" cho các sinh viên của các hệ đào tạo này).
Trong khi đó, sinh viên hệ chính quy có chất lượng đào tạo rõ ràng cao hơn bởi họ được học nhiều hơn, chương trình nặng hơn, kiểm tra và thi cử khó hơn nên ngân hàng ưu tiên hơn là điều dễ hiểu.
Về triển vọng trong quý 4, hầu hết các ngân hàng cho biết họ sẽ gia tăng tuyển dụng. Một khảo sát của Vụ Dự báo thống kê NHNN công bố cho thấy có hơn 50% các tổ chức tín dụng sẽ tăng thêm nhân sự trong năm nay.