Ngân hàng "đau đầu" vì nợ xấu cho vay mua ô tô, giá rẻ nhưng đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua

H.Anh |

Gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt rao bán tài sản thế chấp là ô tô các loại. Từ xe tải, xe khách đến xe con, hàng trăm chiếc muốn bán nhanh để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, rao bán nhiều nhưng ít người muốn mua.

Hết tiền trả nợ, khách hàng vay mua ô tô từ tốt chuyển thành xấu

Năm 2017, chị Q.A, chủ một công ty du lịch tại Hội An đã vay tiền ngân hàng để mua thêm xe ô tô, thầu lại nhiều khu nghỉ dưỡng để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái tại những huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Thậm chí, chị còn dự định khi hoạt động kinh doanh đi vào khuôn khổ, sẽ thuê người quản lý công ty, còn gia đình chị ra nước ngoài định cư và điều hành kinh doanh từ xa. Tuy nhiên, mọi tính toán của chị Q.A đã không vượt qua được "cơn lốc" mang tên Covid-19.

Đến giữa năm 2020, doanh nghiệp của chị đã phải đóng cửa văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội, chỉ duy trì văn phòng tại Hội An. Nhưng văn phòng này cũng không có hoạt động và như chị chia sẻ thì "hy vọng vừa được nhen lên ngay lập tức bị vùi dập, nợ ngân hàng làm sao trả nổi".

Ngân hàng đau đầu vì nợ xấu cho vay mua ô tô, giá rẻ nhưng đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua - Ảnh 1.

Các tuyến phố cổ ở TP. Hội An (Quảng Nam) vắng lặng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh: Diệu Bình)

Anh T.H (Hội An), cũng vay tiền ngân hàng để mua xe ô tô kinh doanh dịch vụ đưa đón khách du lịch, nhưng hơn một năm nay, nguồn thu sụt giảm thê thảm, không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn.

"Từ khách hàng tốt, tôi chuyển dần thành khách hàng xấu của ngân hàng. Biết vậy, nhưng tôi cũng không có lựa chọn nào khi mình còn đang phải chạy ăn từng bữa cho gia đình", anh H. phân trần.

Hoàn cảnh cũng không tích cực hơn, cuối năm 2019, anh N.V.T (Đông Anh, Hà Nội) mua một chiếc xe Hyundai i10 theo hình thức trả góp với giá hơn 600 triệu đồng. Để được vay, anh T phải ký hợp đồng tín dụng với một ngân hàng và mỗi tháng trả đủ 10 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát thu nhập của anh T. giảm sút, khoản tiền 10 triệu đồng mỗi tháng trả ngân hàng trở thành gánh nặng với anh.

"Từ tháng 3 đến nay, tôi không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Vì vậy, cuối tháng 6 vừa rồi, ngân hàng đã phong tỏa tài sản đảm bảo là chiếc xe ô tô Hyundai i10 tôi đã thế chấp", anh T. cho hay.

Theo phản ánh của nhiều ngân hàng, số lượng ô tô bị thu hồi trừ nợ đang tăng nhanh trong thời gian gần đây do khách hàng không có khả năng thanh toán.

Nhân viên một ngân hàng TMCP thuộc Top ngân hàng cho vay mua ô tô nhiều nhất thị trường hiện nay cho biết, dịch bệnh bùng phát khiến hoạt động kinh tế bị ngừng trệ, giảm sút, dẫn đến kinh doanh dịch vụ vận tải gặp khó khăn, không có nguồn thu trả nợ cho ngân hàng. Vì vậy, nhiều khách hàng đã chấp nhận để ngân hàng thu hồi xe để siết nợ.

Theo thống kê của nhân viên này cho thấy, số khách hàng không có khả năng trả nợ và bị thu xe của ngân hàng này hai tháng lại đây cao gấp 1,5 lần so với trước.

Không dễ thanh lý ô tô

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết các đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là trong nửa đầu năm 2021, đã gây tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng, tạo áp lực nợ xấu lên hoạt động tín dụng ngân hàng.

Đáng chú ý, ở thời điểm trước khi có dịch Covid-19, một số ngân hàng tung hàng loạt chương trình ưu đãi, cho vay trả góp với lãi suất thấp để kích thích khách hàng mua ô tô.

Nay hoạt động kinh doanh của khách hàng gặp khó khăn, nợ xấu liên quan tới các khoản vay mua ô tô cũng tăng mạnh.

Ngân hàng đau đầu vì nợ xấu cho vay mua ô tô, giá rẻ nhưng đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua - Ảnh 2.

Ngân hàng thanh lý ô tô chỉ từ hơn 100 triệu đồng. (Ảnh: VIB)

Theo quan sát, lượng xe ô tô mà các khách hàng rao bán thanh lý từ năm 2020 tăng đột biến, trong đó có cả xe tải, xe ô tô 4 chỗ cho đến xe khách, xe du lịch. Đây là tài sản của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay vốn để mua nhưng sau đó không trả được nợ.

Đơn cử như, NH TMCP Quốc Tế (VIB) đang rao thanh lý một loạt ô tô, với giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng để thu hồi nợ vay.

NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để bán một loạt ô tô các loại, với giá khởi điểm từ 239 triệu đồng đến 7,7 tỷ đồng. Lô tài sản cần đấu giá đợt này gồm 25 ô tô các loại.

Vài ngày trước, ngân hàng này cũng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá lô 16 ô tô các loại để thu hồi nợ.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đánh giá, đến thời điểm này, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến các ngành dịch vụ, du lịch điêu đứng. "Trong bối cảnh này, các ngân hàng cho vay mua ô tô cũng sốt ruột, phải đẩy mạnh thanh lý tài sản thế chấp khi khách không còn khả năng trả nợ. Bởi xe càng để lâu giá trị càng giảm, chưa kể chi phí lưu kho, bến bãi...

Do đó, nhu cầu thanh lý ô tô của các ngân hàng tăng khá mạnh trong thời gian qua. Dù vậy, sức mua trên thị trường đối với loại tài sản thế chấp này ở thời điểm hiện tại lại quá yếu" - TS Đinh Thế Hiển nhận định.

Ngân hàng đau đầu vì nợ xấu cho vay mua ô tô, giá rẻ nhưng đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua - Ảnh 3.

Nhiều ngân hàng chật vật thanh lý ô tô thu hồi nợ. (Ảnh minh họa: TCB)

Phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng tại Hà Nội cũng thừa nhận, các khoản cho vay mua xe cũng như phát mãi tài sản để thu hồi nợ tại các ngân hàng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

"Số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại. Thậm chí, có nhiều xe mang đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không.

Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng", vị này kể.

Hiện, 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại