Ảnh minh họa
Theo số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố , đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm.
Trước đó, tính đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần cuối tháng 11, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 1%, tương đương tăng hơn 112.000 tỷ đồng.
Dù bức tốc mạnh trong tuần cuối tháng 11 nhưng hiện tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước và kém xa mục tiêu NHNN đề ra hồi năm. Với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14,5%), ước tính dư địa mà các ngân hàng có thể cho vay thêm trong tháng 12 là gần 638.000 tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu từ các yếu tố khách quan. Đó là đầu tư, SXKD, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.
Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả.
Khó khăn từ thị trường bất động sản (BĐS) tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS trong khi tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát, khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không trả được nợ vay; Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các TCTD còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế.
Nợ xấu có xu hướng tăng tại một số TCTD, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng. Xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án theo Nghị quyết 42/2017/QH14 gặp khó khăn, chưa thực hiện được.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó Thống đốc thẳng thắn chỉ ra còn có nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đó là mặc dù lãi suất cho vay của các TCTD đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên lãi suất cho vay ở một số NHTM còn ở mức khá cao. Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế tài sản đảm bảo còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Thiếu sự kết nối của khách hàng và ngân hàng để trực tiếp trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.
Trước diễn biến trên, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 29/11/2023, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung", NHNN cho biết.
Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 7/12, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, dứt khoát không có chuyện ngân hàng phải xin room tín dụng. NHNN sẽ chủ động triển khai phân bổ hạn mức tín dụng một cách hợp lý nhất dựa trên nhiều yếu tố.
Về định hướng điều hành chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ nay đến cuối năm, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu hạn mức, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới;...