Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6 đạt 9,35% - mức tăng 6 tháng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Sự mở rộng mạnh mẽ của hoạt động cho vay khiến hầu hết ngân hàng đều đã cạn hạn mức tín dụng được tạm cấp từ đầu năm; thậm chí có nhà băng đã hết ''room'' từ ngay đầu quý II.
Trong bối cảnh vẫn chưa được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng, nhiều ngân hàng đã phải giảm bớt lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ để có thêm dư địa cho vay.
Chia sẻ tại buổi họp nhà đầu tư gần đây, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp của Techcombank, cho biết ngân hàng đã tái phân bổ tín dụng bằng cách giảm phần trái phiếu doanh nghiệp lớn để chuyển sang cho vay mua nhà cá nhân.
Cụ thể, dư nợ trái phiếu giảm từ 77.000 tỉ đồng xuống còn 49.000 tỉ đồng trong quý II, tương ứng giảm 36%. Trong khi đó, dư nợ vay mua nhà tăng 66% so với cùng kỳ và 25% so với quý I; tỷ lệ vay mua nhà trong danh mục sản phẩm cho vay cá nhân tăng từ 78% lên mức 82%.
Còn theo ước tính của Chứng khoán SSI, TPBank đã chủ động giảm 4.300 tỷ đồng số dư trái phiếu doanh nghiệp trong 3 tháng vừa qua để dành ''room'' cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian đầu quý III/2022.
Cuối tháng 6, Vietcombank nắm giữ 11.608 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 1,9% so với hồi đầu năm trước và giảm 0,7% so với cuối tháng 3. Tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của Vietcombank hiện chỉ ở mức 1%. Tương tự, VietinBank cũng giảm 18% quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp trong quý vừa qua xuống còn 10.967 tỷ đồng - tương đương 0,9% tổng dư nợ tín dụng.
MB - một trong hai ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất - đã giảm sở hữu 900 tỷ đồng loại giấy tờ có giá này trong quý II. Cùng xu hướng, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp/tổng dư nợ của VPBank đã giảm 0,23 điểm % so với cuối quý I, xuống còn 9,77%.
Với sự quản lý chặt chẽ nguồn vốn vào trái phiếu doanh nghiệp, MSB cũng đã chủ động hạ tỷ trọng cho vay lĩnh vực này xuống còn 2,7% tổng dư nợ (từ mức 3,2% vào cuối quý I/2022). Hiện số dư trái phiếu doanh nghiệp của MSB chỉ còn xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
Ngân hàng sẽ hạn chế ''rót'' vốn vào trái phiếu doanh nghiệp?
Trong hai năm trước và quý I/2022, trái phiếu doanh nghiệp là một trong những cấu phần chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng. \
Tuy nhiên, khi nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu vay vốn tăng mạnh, việc nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp khiến dư địa cho vay khách hàng của các nhà băng bị thu hẹp, đặc biệt là khi NHNN vẫn rất thận trọng trong việc nới ''room'' tín dụng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng chủ động giảm quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp do xu hướng siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng.
Từ đầu năm nay, Thông tư 16/2021/TT-NHNN đã chính thức có hiệu lực với nhiều quy định chặt chẽ về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại. Chưa dừng lại ở đó, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng siết chặt hơn đối với cả nhà phát hành cũng như nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ.
Về phía các ngân hàng, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng là chủ đề được nhiều cổ đông quan tâm và đưa ra chất vấn ban lãnh đạo trong đại hội cổ đông thường niên 2022.
Tại ĐHCĐ thường niên SHB năm 2022, một cổ đông đã đặt câu hỏi về việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển khẳng định các khoản đầu tư trái phiếu của ngân hàng đều đúng mục đích, tuân thủ pháp luật và có tài sản đảm bảo. Đây đều là những trái phiếu của các doanh nghiệp, dự án có tài chính và thanh khoản tốt.
"Về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tôi khẳng định các khoản đầu tư của SHB là an toàn tuyệt đối và thanh khoản cao. Điều này đảm bảo an toàn bền vững cho ngân hàng", ông Hiển cho hay.
Nói về khoản 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh khẳng định, các khoản đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản của ngân hàng đều vào các dự án có chủ đầu tư uy tín, pháp lý rõ ràng, đang triển khai bán hàng.
Lý do ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu vì tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu.
Trong khi đó, lãnh đạo của BIDV có vẻ thận trọng hơn trong mảng đầu tư này. Chia sẻ tại đại hội cổ đông, lãnh đạo BIDV đánh giá lợi ích của ngân hàng trong cho vay lớn hơn nhiều đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, nhiều năm qua, BIDV rất hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong hai năm gần đây, trái phiếu của BIDV tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, một phần khác là đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp.