Ngăn chặn nạn trộm cắp ở “vương quốc sâm”

Hà Vy |

Từ khi đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh được thông qua, giá trị cây sâm Ngọc Linh tăng cao, diện tích trồng sâm ở huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) được mở rộng, nhờ đó đời sống kinh tế người dân bản địa ngày càng nâng lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo...

Tuy nhiên, kéo theo đó là nạn trộm cắp sâm hoành hành. Công an huyện Nam Trà My đã tăng cường các giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này...

Nằm dưới chân núi Ngọc Linh, huyện vùng cao Nam Trà My được xem là “vương quốc sâm”. Hiện tại, địa phương này có 7/10 xã nằm trong quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và đã bảo tồn được 100ha cây sâm; phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.600ha, với hơn 1.200 hộ tham gia.

Ngăn chặn nạn trộm cắp ở “vương quốc sâm” - Ảnh 1.

Cơ quan Công an điều tra một vụ trộm sâm ở Trà Linh.

Ngoài số vốn hiện có của gia đình, nhiều hộ dân đã tích cực tham gia vay vốn để về đầu tư trồng sâm. Qua khảo sát thị trường cho thấy, thời điểm này, giá sản phẩm cây sâm Ngọc Linh tăng lên rất cao.

Cụ thể, giá cây sâm giống loại 1 năm tuổi 300 nghìn đồng/cây; giá sâm các loại bình quân từ 75 - 100 triệu đồng/kg; loại đặc biệt 1 củ 2 lạng giá lên đến 200 trăm triệu đồng/kg. Mỗi ha trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được từ 30-50 tỷ đồng…

Thiếu tá Nguyễn Đức Thời, Đội trưởng Đội CSĐT Công an huyện Nam Trà My cho biết, vì hiện nay giá trị của sâm rất lớn nên nhiều đối tượng xấu lười lao động muốn có tiền ăn chơi đã liều lĩnh trộm cắp. Mới đây, đầu tháng 1-2020, nhóm hộ Hồ Văn Thuật, Hồ Văn Hiếu và Hồ Thị Bích (cùng trú nóc Tắc Tu, thôn 3, xã Trà Linh) bị mất một lượng lớn sâm Ngọc Linh tại chốt sâm Văn Mé (thôn 3, xã Trà Linh).

Qua điều tra, xác minh, Công an huyện Nam Trà My phát hiện 2 đối tượng Hồ Văn Kiên (SN 2005, trú thôn 3, xã Trà Linh) và Hồ Văn Giới (SN 2006, trú thôn 2, xã Trà Linh) có biểu hiện nghi vấn nên mời về làm việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và chứng cứ thu thập được của cơ quan Công an, cả 2 đã khai nhận hành vi trộm cắp của mình.

Trước đó, Công an huyện Nam Trà My cũng điều tra, xử lý 3 vụ trộm sâm khác. “Các đối tượng trộm sâm thường là người địa phương, thông thuộc địa hình, lại có phương thức thủ đoạn tinh vi, diễn ra nhanh gọn, nhanh chóng tẩu tán, tìm mọi cách để che giấu. 

Trong khi đó, sâm Ngọc Linh còn là “cây thuốc giấu” của người dân vùng cao này nên bà con thường ngại trình báo vụ việc, muốn giữ bí mật về nguồn gốc, số lượng cây, hoặc là báo trễ khiến công tác điều tra xử lý gặp nhiều khó khăn”, Thiếu tá Nguyễn Đức Thời nói.

Trung tá Đinh Việt Trung trao đổi rằng, trước thực trạng trên, cùng với công tác điều tra, xử lý các vụ trộm sâm theo pháp luật, Công an huyện Nam Trà My còn đề ra nhiều giải pháp, phương án, tham mưu UBND huyện triển khai đảm bảo ANTT vùng sâm. Trong đó chú trọng công tác tăng cường cán bộ, chiến sĩ về cơ sở, rà soát lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự; duy trì mô hình tổ tự quản; vận động nhân dân đấu tranh, tố giác tội phạm; nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự quản...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại