Không có thu nhập, đói thuốc, để thỏa mãn cơn nghiện trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng manh động hơn khi thực hiện các vụ cướp, cướp giật tài sản mà không nghĩ đến hậu quả.
Thời gian qua, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đã liên tục triệt phá bắt giữ các đối tượng cướp giật. Đa phần các đối tượng này đều nghiện ma túy…
Thủ đoạn mới
Lê Vũ Anh Hào (còn gọi là Bi, sinh năm 1995), đồng tính, nghiện ma túy đá nặng. Thời điểm dịch bệnh, không nghề nghiệp, không tiền tiêu xài, không tiền mua "đá", Hào lân la lên mạng xã hội để tìm "con mồi" là những người cùng giới, chát chít tiếp cận những người có vẻ khá giả để cướp tài sản.
Sau nhiều ngày "thả thính", anh N.L.C.K. (sinh năm 1993, ngụ Tân Phú) dính mồi của Hào. Biết anh K. có nhiều tài sản, Hào rủ thêm bạn là Nguyễn Hoàng Văn và Trần Yều cùng tham gia.
Hào hẹn hò và anh K đồng ý đến rước Hào đi khách sạn "vui vẻ". Khi đến một siêu thị ở Quận 6, Hào lấy lý do sợ mọi người phát hiện nên kêu anh K. gửi xe ở đây rồi cả 2 bắt taxi đến đường số 19, phường Bình Trị Đông B, Bình Tân thuê khách sạn.
K cũng là dân nghiện "đá" nên trước khi vui vẻ, cả hai làm vài bi rồi quan hệ đồng tính. Để thêm phần kích thích, Hào nói rủ thêm bạn đến cho vui, K. cũng đồng ý. Hào gọi Văn và Yều đến.
Cả 4 đang "vui vẻ" thì bất ngờ Hào "lật mặt", Hào kêu Yều dùng cây dũ 3 khúc khống chế anh K để Văn dùng còng số 8 còng tay anh K..
Các đối tượng lục lấy tiền, điện thoại di động của anh K, lục thẻ xe và đến siêu thị lấy xe máy anh K. đem đi bán rồi chia nhau tiền mua ma túy sử dụng. Đến khi bị bắt, các đối tượng này khai nhận đã làm trót lọt 2 vụ với chiêu thức tương tự.
Một vụ việc khác. Lê Hoàng Phúc (sinh năm 1999, ngụ Bình Tân) là một trong 5 đối tượng bị Công an quận Bình Tân truy xét bắt giữ khi thực hiện vụ cướp giỏ xách của một người phụ nữ khiến người này bị chấn thương sọ não.
Đối tượng này bao biện: "Đợt dịch này khó khăn quá nên em làm liều lấy tiền nuôi vợ con!".
Nhưng không phải như lời khai ấy, nhóm của Phúc do một đối tượng tên Bảo cầm đầu (hiện đang bỏ trốn) từng thực hiện nhiều vụ cướp giật tài sản. Các đối tượng phân công vai trò cụ thể cho từng thành viên trong băng nhóm.
Để tránh bị theo dõi và bị nạn nhân truy đuổi, băng nhóm này đều thủ sẵn hung khí trong người, chiếc xe làm phương tiện gây án đều được các đối tượng thay bằng biển số giả. Khi cướp được tài sản, cả nhóm chia nhau mua ma túy về sử dụng.
Chị Nguyễn Bạch D.L. (sinh năm 1981 tuổi, ngụ Bình Tân) là nạn nhân mới nhất của nhóm đối tượng này, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện vì bị ngã đập đầu xuống đường chấn thương sọ não.
Đa phần các đối tượng đi cướp để thỏa mãn việc phê ma túy.
Ngày 31/7, cả nhóm đói thuốc nên chở nhau lòng vòng các tuyến đường tìm "con mồi", đến đường số 13 phát hiện chị L. điều khiển xe máy chở theo con gái là Trần H. (13 tuổi), giỏ xách (có hơn 4 triệu đồng) nên Phúc và Bảo áp sát giật.
Cao Dũng Liêm (sinh năm 1998), Lê Quang Vinh (sinh năm 1999), Lê Hoàng Phúc, Huỳnh Minh Tiến (sinh năm 1999) với vai trò cản địa đi phía sau. Cú giật khá mạnh nhưng quai giỏ xách không đứt khiến chị L. và cháu H. ngã đập đầu xuống đường.
Không ăn được hàng, cả nhóm tháo chạy khỏi hiện trường. Quá trình truy xét, Công an quận Bình Tân lần lượt bắt các đối tượng, thu nhiều dao, mã tấu và biển số giả. Các đối tượng khai đã thực hiện trót lọt nhiều vụ cướp giật trong thời gian qua.
Nạn nghiện ma túy, sống bầy đàn
Một cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Thủ Đức cho biết, các đối tượng cướp giật đa phần là dân nghiện, chủ yếu dùng ma túy đá.
Các đối tượng có tuổi đời quá trẻ, thường bỏ nhà đi bụi, lấy lề đường, công viên, khách sạn làm chỗ nương thân, sống bầy đàn. Và nguy hiểm hơn là các đối tượng này khá manh động, gây án bất chấp hậu quả.
Một vụ cướp giật trốn chạy gây tai nạn giao thông.
Băng cướp giật tài sản mà Công an quận Thủ Đức vừa triệt phá hồi tháng 7 là một ví dụ. Cả nhóm đối tượng đều nghiện ma túy, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình.
Tạ Trường Huy (quê cần Thơ) và Vũ Phú Quý (quê Bạc Liêu) chỉ mới qua tuổi 18 nhưng đều có tiền án về tội "cướp giật và trộm cắp tài sản").
Quen với cách sống "ngã đâu là giường", ngủ đâu là nhà, nên 2 đối tượng này qui tụ thêm một số thanh thiếu niên sống dạt nhà (có cả nữ) thuê cùng một phòng khách sạn sống bầy đàn và chơi ma túy tập thể. Để có thuốc thỏa mãn cơn nghiện, các đối tượng lên kế hoạch đi cướp kiếm tiền.
Hung khí thu được từ các vụ cướp.
Các đối tượng ban ngày chơi thuốc, ban đêm mới bắt đầu ra đường tìm "con mồi" để cướp, tuy nhiên có khi đói thuốc quá, các đối tượng làm liều hoạt động cả ban ngày, giật tài sản của nạn nhân ngay cả các tuyến đường đông người.
Các đối tượng nam có nhiệm vụ đi trộm, cướp; nữ được phân công nhiệm vụ đem đi tiêu thụ và lo chuyện… "bếp núc".
Huy và Quý là 2 đối tượng trực tiếp giật tài sản, các đối tượng còn lại làm nhiệm vụ cản địa. Trưa 18/7, đói thuốc, cả nhóm men theo đường Gò Dưa, đến trước số 264 thì thấy chị Trần Thị Chiến (sinh năm 1987) điều khiển xe máy, cổ đeo sợi dây chuyền vàng nên bám sát giật rồi tháo chạy về nhà đưa cho đối tượng nữ đến một tiệm vàng ở Bình Dương bán được 4,4 triệu đồng mua cơm hộp và ma túy về khách sạn sử dụng.
Chị Chiến sau khi bị cướp đã đến Công an trình báo.
Qua truy xét, Công an quận Thủ Đức đã bắt được nhóm đối tượng này ở một khách sạn trên đường Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Bên trong khách sạn mà nhóm này trú ngụ, Công an quận Thủ Đức thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm.
Các đối tượng khai, số hung khí này để chống trả lại người truy đuổi và ngay cả đối với Công an.
Ma túy đá thu từ các đối tượng cướp.
Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, số người mất việc hoặc không có việc làm khá lớn. Trong khi đó, các đối tượng phạm pháp hình sự, nhất là các đối tượng nghiện ma túy phần lớn không có việc làm nên rất manh động.
Một cán bộ Phòng cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng luôn thủ sẵn hung khí trong người, chủ yếu là dao, mã tấu và bình xịt hơi cay, có đối tượng thủ sẵn hàng nóng.
Như nhóm đối tượng nghiện do Lợi Vĩ Minh (Nhí, sinh năm 1995, ngụ quận 8) mới ra tù về tội "trộm cắp tài sản" nhưng nghiện nặng nên tiếp tục phạm tội.
Để hoạt động hiệu quả, Minh không sống ở nhà mà kết nối với nhiều thành phần bất hảo, nghiện ngập giống mình thuê khách sạn để trú ngụ, sử dụng ma túy chờ đêm đến ra tay trộm cắp tài sản.
Các đối tượng do Minh cầm đầu thường chọn các khu nhà cho thuê để cắt khóa đột nhập, tài sản chúng lấy đi thường là xe máy, laptop và tiền vàng. Mỗi thành viên trong nhóm đều thủ sẵn bình xịt hơi cay trong người.
Tang vật của một vụ cướp.
Khi bị động, bị truy đuổi, các đối tượng này sẵn sàng dùng bình xịt hơi cay chống trả. Bởi vậy chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng đã thực hiện cả chục vụ trộm.
Trợ thủ đắc lực cho Minh là Võ Thị Tuyết Em (sinh năm 2000, ngụ Quận 8), sống như vợ chồng với Minh và có một con nhỏ. Em cũng nghiện ma túy nặng. Mỗi khi Minh đi gây án, Em thường đi theo giữ xe và cảnh giới.
Cặp kè nhau từ khi còn làm chung trong quán bar ở quận 1, khi các quán bar đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19, thất nghiệp, không có tiền tiêu xài lại nghiện ma túy, Võ Gia Yên (sinh năm 1993, ngụ quận 4) và Lê Thị Mỹ Quyên (sinh năm 1995, ngụ quận 8) cùng nhau thực hiện nhiều vụ tiêu thụ xe gian, mối làm ăn thường xuyên cung cấp nguồn hàng cho Yên và Quyên là Nguyễn Quang Duy Võ, từng 2 lần xộ khám về hành vi "giết người và trộm cắp tài sản".
Võ nghiện ma túy nặng, sau khi ra tù Võ kết nối với T., một bạn tù cùng nhau ra tay thực hiện các vụ "đá xế". Hai đối tượng này rất ma mãnh khi chọn thời điểm đá xế là khi trời chuyển mưa, 2 đối tượng mặc áo mưa để khi tiếp cận phương tiện khiến người khác không chú ý, sau đó bẻ khóa trộm xe. Những chiếc xe đắt tiền như SH, Vario, Click hoặc Lead thường rơi vào tầm ngắm của 2 đối tượng này. Bởi chủ phương tiện thường để giấy tờ xe trong cốp, khi trộm được các đối tượng đem bán có giá hơn các loại xe khác. Chỉ trong thời gian ngắn, 2 đối tượng đã thực hiện hơn chục vụ trộm trên địa bàn các quận Phú Nhuận, Thủ Đức, Gò Vấp và Bình Thạnh…
Khi mua xe từ Võ, Yên và Quyên qua tay với các đường dây tiêu thụ xe gian khác lấy chênh lệch từ 5-15 triệu đồng mỗi chiếc.
Khi các đối tượng này bị bắt, Võ khai có ngày Võ cùng T thực hiện thành công 3 vụ trộm xe SH, bán những chiếc xe này cho Yên và Quyên, 2 đối tượng dành phần lớn tiền nướng vào ma túy.
Theo thống kê, mỗi tuần Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các quận huyện của TP Hồ Chí Minh phát hiện, truy bắt và khám phá nhiều vụ phạm pháp hình sự, trong đó đa phần là các vụ cướp giật trộm cắp, các đối tượng đều dính líu đến ma túy.
Ngoài việc các tổ công tác tập trung đấu tranh với tội phạm thì người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của mình, nhất là trong thời điểm "nhạy cảm" này.
Người dân không nên chủ quan với tài sản của mình, nhất là khi ra đường đừng mang tài sản một cách hớ hênh để làm "mồi" cho các đối tượng cướp giật.
Một thực tế cho thấy, tài sản bị cướp giật nhiều nhất là điện thoại di động, túi xách, tuy nhiên nhiều người khi lưu thông trên đường thường sử dụng điện thoại một cách thiếu ý thức phòng ngừa dẫn đến việc tài sản bị giật mất.
Không chỉ mất tài sản mà nhiều nạn nhân bị cướp còn bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng khi các đối tượng manh động gây án chống trả khiến họ bị thương hay bị té ngã khi các đối tượng ra tay manh động dẫn đến chấn thương như trường hợp vụ cướp ở Bình Tân.
Tự bảo vệ tài sản của mình, đừng để đến khi bị cướp, cơ quan chức năng vào cuộc, có bắt được đối tượng thì việc thu hồi tài sản rất khó, bởi lúc này đối tượng đã đem đi tiêu thụ, hay dùng tài sản của mình nướng vào ma túy.