Tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội dài 12km là một trong những tuyến đường hiện đại nhất Thủ đô, đi qua địa bàn 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Điểm đầu của cung đường "ngoại giao" này là khu vực sân bay Nội Bài và điểm cuối tại cầu Nhật Tân.
Được khánh thành vào đầu năm 2015 với tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng, tuyến đường có quy mô 12 làn xe, trong đó 8 làn dành riêng cho ô tô chạy theo 2 chiều và 4 làn đường gom hai bên cho phương tiện chạy hỗn hợp. Tốc đối tối đa đối với làn ngoài cùng là 90km/h, 2 làn trong có tốc độ là 80km/h. Từ khi đưa vào khai thác, thời gian di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội được rút ngắn xuống chỉ còn 30 phút so với hàng giờ đồng hồ do phải đi qua cầu Thăng Long với tốc độ thấp trước đó.
Các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô 40km/h. Tại đây, cây keo được trồng với mật độ dày đặc giúp ngăn khói bụi và tiếng ồn cho khu vực xung quanh.
Trong tương lai, dọc hai bên đường sẽ là trung tâm hành chính mới Đông Anh, với điểm nhấn là tháp Phương Trạch cao 108 tầng.
Đường Võ Nguyên Giáp không chỉ có chức năng kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm TP Hà Nội mà còn được kết nối với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, giúp giảm bớt lượng giao thông trên toàn tuyến.
Tuyến đường có hệ thống cây xanh nhiều tầng ở giải phân cách giữa với hàng nghìn cây chà là, 2.500 cây long não, hơn 1.000 cây hoa ban cùng nhiều loại cây khác. Hệ thống cây xanh tại đây được chăm sóc chu đáo và luôn trong tình trạng xanh tốt.
Dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp xây dựng nhiều cầu vượt để đảm bảo lưu thông hàng hóa do xung quanh tuyến đường này có rất nhiều khu công nghiệp.
Đồng thời dọc tuyến đường cũng có nhiều hầm chui dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sống quanh khu vực.
Với chức năng kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm Thủ đô, tuyến đường này mỗi năm được lựa chọn để đón hàng chục đoàn khách quốc tế quan trọng mỗi khi đến Việt Nam. Gần đây nhất ngày 12-13/12, tuyến đường đón đoàn xe chở Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân. Ảnh: L.T
Chân cầu Nhật Tân là cổng chào với biểu tượng Khuê Văn Các, đây cũng là điểm đánh dấu vào khu vực nội thành Hà Nội.
Nút giao thông dưới chân cầu Nhật Tân giúp kết nối các tuyến đường gom xung quanh với trục đường vành đai 2.
Bản đồ tuyến đường. Ảnh: Google maps