"Ngậm đắng" khi vay Trung Quốc đầu tư hạ tầng ở châu Phi

Trang Trần |

Nhiều chuyên gia cho rằng, lợi ích chưa thấy nhưng tác động xấu đến môi trường và tình trạng nợ tại Kenya đã rõ.

Trung Quốc rót hàng tỷ USD cho các nước châu Phi như Ethiopia, Kenya… đang “khát tiền” để nâng cấp hạ tầng, phát triển kinh tế. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, lợi ích chưa thấy nhưng tác động xấu đến môi trường và tình trạng nợ “ngập đầu” tại Kenya đã rõ.

Cố xây đường sắt bất chấp môi trường

Tuần trước, giới chức Ethiopia và Trung Quốc khánh thành tuyến đường sắt mới dài 750km nối Thủ đô Addis Ababa, Ethiopia với TP cảng Djibouti trên biển Đỏ.

Tuyến đường này mang hy vọng thúc đẩy kinh tế cho cả hai nước, giúp di chuyển chỉ trong 10 giờ, bỏ qua tuyến đường đầy ổ gà có thể mất tới nhiều ngày, theo Guardian. Tuyến đường sắt dài 750km do hai công ty Trung Quốc xây dựng, trị giá 3,4 tỷ USD (Trung Quốc hỗ trợ 70% chi phí).

Chưa rõ thực tế khi đi vào vận hành ra sao nhưng tại nước láng giềng Kenya - nơi Trung Quốc đã và đang đầu tư hàng loạt dự án đường sắt, tồn tại nhiều bất cập và lỗ hổng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính việc nước này vung tiền cho vay để xây dựng hạ tầng ồ ạt, đẩy Kenya vào cảnh nợ nần chồng chất.

Tháng trước, Tổng thống Kenya - Uhuru Kenyatta vừa chấp thuận giai đoạn 2, trị giá 1,5 tỷ USD xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn (SGR) nối Nairobi và Mombasa nhưng vấp phải phản đối gay gắt vì tuyến đường này cắt ngang công viên Nairobi - công viên quốc gia duy nhất trên thế giới nằm trong lòng thành phố.

Kinh phí xây dựng do Trung Quốc đầu tư và Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện. Tuy nhiên, dự án khiến các nhà phê bình e ngại Chính phủ cố làm đường sắt mà không tính toán tới tác động môi trường.

Chúng tôi lo ngại có thể Chính phủ Kenya bị phía Trung Quốc ép buộc phải thực hiện dự án này bất chấp thiệt hại mà nó gây ra”, Chủ tịch Liên minh quản lý và bảo tồn thế giới hoang dã Kenya Sidney Quantai nói.

Dự án SGR là dự án mới nhất hứng chịu chỉ trích trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt Nairobi - Monbasa. Dự án này vốn bị các nhà phê bình cho rằng quá đắt đỏ và càng làm nợ nước ngoài của Kenya thêm chồng chất như bao dự án khác.

Trong khi đó, Chính phủ cho phép các nhà thầu Trung Quốc thoải mái đưa ra điều kiện, bất chấp thiệt hại, để đổi lấy “tiền” xây dựng. Ông Alfred Keter, một thành viên Quốc hội cáo buộc công ty Trung Quốc CRBC thổi phồng giá trị dự án lên gấp ba lần.

Ông so sánh chi phí xây dựng 5,38 triệu USD/km của SGR với một tuyến đường sắt khác mà tập đoàn China Railway Materials đứng đầu xây dựng tại Tanzania chỉ khoảng 3,18 triệu USD/km.

Sự chênh lệch này đến từ đâu nếu không phải đó là tham nhũng?”, ông Keter đặt nghi vấn trước Ủy ban đầu tư công của Kenya.

Lãnh đạo Đảng đối lập Raila Odinga cũng chỉ trích Chính phủ ông Kenyatta đã và đang vay mượn số tiền gấp 5 lần số tiền của Chính phủ tiền nhiệm vay.

Trước kia, chúng ta chỉ phải chi 4% lợi nhuận xuất khẩu để trả các khoản nợ nước ngoài thì nay chúng ta phải chi tới hơn 10%”, ông Raila nói.

Nợ Trung Quốc tăng 657,33% trong 4 năm

Nhiều lãnh đạo như ông Raila đổ lỗi chính các khoản cho vay dễ dàng từ phía Trung Quốc khiến Kenya "hoa mắt", đẩy tình hình nợ nần của đất nước châu Phi này ngày càng chồng chất.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Kenya - Apurva Sanghi đánh giá, Bắc Kinh đột ngột trở thành đối tác song phương quý hóa của Kenya vì nước này không quan tâm tới chính trị địa phương và sẵn sàng "rót tiền" vào các ngành mà các nhà đầu tư, tài trợ trước đó không ngó ngàng gì trong hàng thập kỷ trước.

Trong đó, tính cộng một khoản nợ trị giá 6 triệu USD từ Trung Quốc hồi tháng 6 vừa qua, nợ nước ngoài của Kenya hiện đang cao gấp 7 lần so với ngân sách thường niên và Trung Quốc chiếm gần 60% tổng các khoản nợ.

Trong thời gian 2011-2015, nợ nước ngoài của Kenya tăng từ 2,85 tỷ USD lên 4,7 tỷ USD, chủ yếu từ Trung Quốc. Trong đó, tổng số tiền vay tăng 657,33% lên 2,73 tỷ USD cùng kỳ, đánh bật vị trí chủ nợ lớn nhất của Nhật, Đức và Pháp.

Kenya bắt đầu vay tiền đầu tư hạ tầng từ Trung Quốc vào năm 2008, đúng vào thời điểm nước này bắt đầu chuyển đổi hình thức kinh tế.

Trong đó, Chính phủ đảm bảo để Ngân hàng Export-Import Bank (EXIM Bank) của Trung Quốc cho Kenya vay 84,7 triệu USD xây dựng hai đường tránh tại Thủ đô Nairobi, do Tập đoàn CRBC của Trung Quốc thi công.

Trong vòng ba năm, Kenya thông báo đảm bảo một khoản nợ khác trị giá 156,06 triệu USD cũng từ Exim Bank xây dựng đường tránh khác nhằm giảm tắc nghẽn từ TP cảng Mombasa vào Thủ đô.

Mối quan hệ của Kenya và Trung Quốc bắt đầu đi vào chiều sâu khi tháng 5/2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu tiên đặt chân tới Nairobi trong chuyến thăm kéo dài ba ngày.

Trong thời gian đó, Kenya được đảm bảo một khoản nợ khác để xây dựng tuyến đường sắt SGR cùng 16 khoản vay khác trị giá hàng tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại