Công trình cầu Mỹ Thuận 2 là hạng mục quan trọng nhất của tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Theo cập nhật từ Bộ Giao thông Vận tải, đến nay cầu Mỹ Thuận đã đạt khoảng 97% khối lượng. Trên ảnh là hiện trạng công trình được chụp vào giữa tháng 12/2023.
Công trình được khởi công từ tháng 2/2020 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là cây cầu đắt nhất cao tốc Bắc - Nam phía đông, gần gấp đôi cây cầu đắt giá thứ 2 là cầu Bình Khánh (2.800 tỷ đồng).
Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61km (bao gồm cả phần đường dẫn), bắc qua sông Tiền. Đường dẫn cầu dài 4,3 km ở phía Tiền Giang đã được trải nhựa, lắp đặt dải phân cách, kẻ tim đường. Bên bờ Vĩnh Long, 0,4 km đường dẫn cũng được thi công xong. Trong giai đoạn 1, hạng mục này được đầu tư cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế tối đa 100 km/h.
Đây là cây cầu dây văng thứ 2 tại ĐBSCL do người Việt Nam thiết kế và thi công. Đoạn cầu chính dài hơn 1,9 km, rộng 25m được đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Theo thiết kế, cầu Mỹ Thuận 2 có 128 bó cáp trên hai nhịp cầu chính, chiều dài mỗi bó cáp 16-213m. Hai trụ tháp chính là T15 và T16 tốn mỗi trụ 4.800 khối bê tông, 800 tấn thép. Mỗi trụ cao 125,5 m; tương đương toà nhà 40 tầng.
Hiện tại, đơn vị thi đang tập trung hoàn thiện các hạng mục như lắp lan can, thảm bê tông nhựa mặt cầu, hệ thống an toàn giao thông và các hạng mục phụ trợ khác để kịp với thời gian thông xe vào ngày 31/12. Khi hoàn thành đưa vào khai thác, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ chia lửa cho tuyến Quốc lộ 1, góp phần tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông.
Bên cạnh cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km, đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp là khớp nối cuối cùng của tuyến cao tốc đường bộ TP. HCM - Cần Thơ cũng sẽ phải hoàn thành trước ngày 31/12.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành trên 80% tiến độ thi công. Trên hình là hiện trạng nút giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào giữa tháng 12/2023.
Khi đi vào hoạt động, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn chỉnh tuyến đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài 120 km. Công trình sẽ là dự án hạ tầng chiến lược kết nối 2 vùng kinh tế lớn của khu vực là Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Tuyến cao tốc này giúp rút ngắn thời gian di chuyển TP. HCM – TP. Cần Thơ xuống còn khoảng 2 giờ, thay vì 4 giờ như hiện nay.