TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói rằn nhằm giúp công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, thưởng lãm một cách đầy đủ về sưu tập hiện vật đặc biệt được khai quật từ những con tàu đắm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề "Bí mật đại dương từ những con tàu cổ".
Trưng bày này đã giới thiệu tại Mokpo và Busan (Hàn Quốc) từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018, mang tên: “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” nhận được phản hồi tích cực.
Trưng bày "Bí mật đại dương từ những con tàu cổ" giới thiệu tới công chúng hơn 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15-18 được tuyển chọn trong bộ sưu tập di sản gốm sứ từ các con tàu đắm mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ và bảo quản.
Chậu gốm men trắng hoa lam thế kỷ 15 khai thác từ tàu đắm Cù Lao Chàm. Ảnh: Nguyên Khánh
Trưng bày gồm 4 nội dung chính: Biển Việt Nam và thương mại đường biển, Đồ gốm thương mại Việt Nam, Con đường tơ lụa trên biển, Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam mở cửa đón khách tham quan hết 18/5/2019.
Tượng người phụ nữ quý tộc gốm men trắng hoa lam và nhiều màu vẽ vàng kim, niên đại thế kỷ 15 từ tàu Cù Lao Chàm
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho hay, điểm đặc biệt trong bộ sưu tập là những báu vật từ con tàu cổ Cù Lao Chàm, khai quật 1997-2000.
Bảo tàng hiện nay là đơn vị thực hiện các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước, khai thác 6 con tàu cổ và đang khảo cổ con tàu thứ 7 ở Dung Quất.
Số hiện vật này nằm trong số hàng trăm ngàn hiện vật khai thác từ tàu đắm cổ
“Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng trong giao thương quốc tế trên biển, với đường bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, dọc theo bờ biển phía Đông - Đông Nam và Tây Nam.
Đây là vùng biển rộng lớn nằm ở vị trí chiến lược trong giao thương quốc tế vào thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển. Bằng chứng là gần 30 năm qua, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam”, ông Cường nói.