Nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, các công ty năng lượng lớn của Trung Quốc đang đàm phán với Shell Plc về việc mua lại cổ phần trong một dự án xuất khẩu khí đốt lớn của Nga.
CNOOC, CNPC và Sinopec Group đang cùng thảo luận với Shell về việc công ty này nắm giữ 27,5% cổ phần trong liên doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-2. Động thái này diễn ra sau khi công ty dầu mỏ khổng lồ của châu Âu cho biết sẽ rút khỏi các hoạt động tại Nga sau khi mâu thuẫn với Ukraine xảy ra.
Hiện tại, các cuộc thảo đang ở giai đoạn đầu và vẫn có khả năng không thỏa thuận nào được thống nhất giữa các công ty. Ngoài ra, Shell cũng sẵn sàng đàm phán với những bên mua tiềm năng khác bên ngoài Trung Quốc, nguồn tin giấu tên cho hay.
Cổ phiếu của Shell tăng 1,3% trên sàn London sau khi thông tin này được đăng tải, trong khi FTSE 100 vẫn không có biến động.
Các cuộc đàm phán này bao gồm thương vụ bán cổ phần cho một trong các doanh nghiệp của Trung Quốc, hoặc có thể là 2 và cả 3 công ty này.
Shell từ chối bình luận về thông tin này. Đại diện của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (CPC) cũng không phản hồi về yêu cầu bình luận. Uỷ ban quản lý và giám sát tài sản thuộc sở hữu nhà nước của Quốc vụ viện Trung Quốc - cơ quan giám sát các doanh nghiệp nhà nước, cũng không đưa ra bất kỳ thông báo nào.
Cũng giống như các đối thủ bao gồm ExxonMobil, Shell đã gây bất ngờ cho ngành năng lượng khi tuyên bố rút khỏi các dự án trị giá hàng tỷ USD tại Nga sau khi xung đột xảy ra vào đầu tháng 2. Đầu tháng này, Shell nói rằng việc thoái vốn khỏi các hoạt động ở Nga có thể khiến họ lỗ tới 5 tỷ USD.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh có trụ sở tại London là BP Plc cũng liên hệ với các công ty được nhà nước hậu thuẫn ở châu Á và Trung Đông, bao gồm CNPC và Sinopec. BP đang tìm cách bán bớt 20% cổ phần trong Rosneft PJSC của Nga.
Hàng chục nhân viên Shell làm việc tạm thời tại dự án Sakhalin-2 ở Nga vào cuối tuần qua đã buộc phải trở lại các văn phòng khác khi công ty này tìm cách rời khỏi Nga.
Xung đột Nga - Ukraine đã khiến thị trường năng lượng chao đảo và đẩy giá năng lượng tăng cao, gây thêm áp lực buộc các chính phủ trên toàn cầu phải suy nghĩ lại về kế hoạch lâu dài với nguồn cung nhiên liệu. Mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Moscow đã giúp các công ty của nước này có lợi thế trong việc giành được cổ phần ở các dự án lớn khi doanh nghiệp phương Tây rút lui.