Nga và Trung Quốc đang quyết thành lập liên minh tài chính như thế nào?

Ngọc Diệp |

Quá trình giảm đôla hóa của 2 nước này đang đến giai đoạn bước ngoặt, nếu xu thế này tiếp tục, mối quan hệ của họ có thể được nâng cấp thành liên minh, chuyên gia nhận định.

Nga và Trung Quốc đang hợp tác để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, theo nhiều chuyên gia, diễn biến này có thể dẫn đến việc thành lập liên minh tài chính giữa hai nước.

Theo Nikkei, trong quý 1/2020, tỷ lệ sử dụng đồng USD trong thương mại giữa Nga và Trung Quốc rớt xuống dưới mức 50% lần đầu tiên trong lịch sử, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga và Cơ quan Thuế Liên bang.

Đồng USD được sử dụng trong khoảng 46% giao dịch giữa Trung Quốc và Nga. Cùng lúc đó, tỷ lệ sử dụng đồng euro tăng lên mức 30%, còn đồng nội tệ của 2 nước này ước tính khoảng 24%, tỷ lệ cao hơn nhiều so với trước đây.

Trong những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã giảm mạnh việc sử dụng đồng USD trong thương mại hai chiều. Ở thời điểm cuối năm 2015, ước tính khoảng 90% giao dịch hai chiều được thực hiện bằng đồng USD. Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như việc Moscow và Beijing giảm sử dụng đồng USD, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 51% vào năm 2019.

Giám đốc Viện nghiên cứu về vùng Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Alexey Maslov, nói rằng quá trình giảm đôla hóa của 2 nước này đang đến giai đoạn bước ngoặt, nếu xu thế này tiếp tục, mối quan hệ của họ có thể được nâng cấp thành liên minh.

Ông nhấn mạnh: “Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính cho thấy rằng cuối cùng họ đang tìm thấy nhiều lĩnh vực chung để cùng hợp tác. Nhiều người cho rằng Nga và Trung Quốc sẽ có thể hình thành liên minh quân sự hoặc thương mại, tuy nhiên giờ đây mối liên minh đó đang chuyển dần sang lĩnh vực tài chính, và trong lĩnh vực này hai nước vẫn giữ được sự độc lập riêng”.

Từ năm 2014, quá trình giảm đôla hóa đã được chính phủ Nga và Trung Quốc đặt trọng tâm. Họ bắt đầu đẩy mạnh hợp tác kinh tế sau khi Moscow đối đầu với phương Tây sau vụ thâu tóm Crimea. Việc thay thế đồng USD trong các giao dịch thương mại trở nên cần thiết để giúp né tránh các biện pháp trừng phạt mà Washington áp dụng với Nga.

“Bất kỳ giao dịch nào sử dụng đồng USD trên thế giới đều thông qua một ngân hàng của Mỹ. Điều đó đồng nghĩa chính phủ Mỹ có thể yêu cầu ngân hàng đó đóng băng một số giao dịch”, theo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Nga thuộc ngân hàng ING.

Quá trình giảm đôla hóa đang được đẩy nhanh hơn sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ áp thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trước đây, Nga từng nói đến việc giảm đôla hóa, phía Trung Quốc cũng coi đây như mục tiêu ưu tiên.

“Chỉ mới gần đây, chính phủ và nhiều tổ chức kinh tế lớn mới bắt đầu cảm thấy rằng họ có thể một ngày nào đó sẽ có kết thúc giống như Nga, đó là khi họ trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt và thậm chí có thể bị đẩy khỏi hệ thống của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT)”, theo phân tích của chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc đại học Đông Thượng Hải.

Vào năm 2014, Nga và Trung Quốc ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ thời hạn 3 năm với tổng giá trị hợp đồng 150 tỷ nhân dân tệ tức 24,5 tỷ USD. Thỏa thuận này cho phép mỗi nước có thể tiếp cận được với tiền của nước kia mà không cần phải mua nó trên thị trường ngoại hối quốc tế. Đến năm 2017, thỏa thuận này được kéo dài thêm 3 năm.

Tháng 6/2019, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga đã tạo ra bước ngoặt. Moscow và Beijing đã ký được thỏa thuận thay thế đồng USD bằng đồng tiền của một số nước khác trong các giao dịch quốc tế trong nhóm này. Thỏa thuận cũng kêu gọi hai bên đưa ra cơ chế thanh toán thay thế cho hệ thống hoán đổi tiền tệ với sự thống trị của đồng USD. Cơ chế thanh toán thay thế sẽ chủ yếu dùng đồng rúp và đồng nhân dân tệ.

Không chỉ tăng cường giao dịch bằng đồng nội tệ, Nga đã không ngừng tích lũy đồng nhân dân tệ thay cho đồng USD. Vào đầu năm 2019, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố đã giảm 110 tỷ USD dự trữ bằng đồng USD, tức tương đương khoảng nửa dự trữ đồng USD hiện tại.

Đồng nhân dân tệ hưởng lợi nhiều nhất từ thay đổi định hướng này của Nga. Dự trữ ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ của Nga tăng từ mức 5% lên 15% trong tổng dự trữ sau khi Ngân hàng Trung ương Nga đầu tư 44 tỷ USD vào đồng nhân dân tệ.

Kết quả, Nga hiện đang nắm khoảng ¼ dự trữ đồng nhân dân tệ trên toàn thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại