Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/10 nói với giới truyền thông rằng Nga đã "thích nghi với các lệnh trừng phạt" của phương Tây.
Ông Peskov cho biết Nga đã "sống chung" với các lệnh trừng phạt trong nhiều thập kỷ và không sợ có thêm những hạn chế khác.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến GDP của Nga sẽ tăng 2,2% trong năm nay so với năm ngoái, bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Đã 20 tháng kể từ khi Mỹ và đồng minh phương Tây và các đồng minh bắt đầu áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine - nhưng Điện Kremlin dường như không quá lo lắng về những hạn chế này.
“Nga đã sống với chế độ trừng phạt trong một thời gian khá dài, trong nhiều thập kỷ, vì vậy chúng tôi đã thích nghi đủ với nó”, ông Dmitry Peskov nói, được hãng thông tấn Nga TASS trích dẫn. Người phát ngôn Điện Kremlin không nói chi tiết về các biện pháp trừng phạt trước đây nhưng khẳng định không hề bối rối về khả năng bị trừng phạt thêm.
Ông Peskov nêu rõ: “Tất nhiên, khoảng thời gian như 5 năm trở lên không khiến chúng tôi sợ hãi chút nào. Khá dễ dàng để dự đoán rằng những nỗ lực kìm hãm nền kinh tế của chúng tôi sẽ tiếp tục”.
Bình luận của ông Peskov đã làm sáng tỏ tư duy và chiến lược chính thức về kinh tế của Nga sau 11 đợt trừng phạt mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu (EU) và làn sóng hạn chế của Mỹ nhằm bóp nghẹt ngân sách của Moskva.
Nga đã tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt kể từ năm 2014, sau khi bị áp đặt một loạt hạn chế thương mại liên quan đến việc sáp nhập Crimea. Các biện pháp của Nga nhằm chống chọi với những lệnh trừng phạt bao gồm tăng cường dự trữ, tích trữ vàng, tìm kiếm thị trường thay thế.
Ngoài các hoạt động kinh doanh thông thường, chi tiêu thời chiến của Điện Kremlin đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Nga - và khoản chi tiêu đó đang thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế. Theo Bloomberg, GDP của Nga đã tăng 4,9% trong quý 2 năm nay, vượt hầu hết các dự báo. Chỉ số này cũng là kết quả tốt nhất của nền kinh tế Nga kể từ quý cuối cùng của năm 2021.
Cùng với đó, chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng lương hưu, tiền lương và các phúc lợi khác cho những người nghèo và trợ cấp các khoản khác nhau kể từ khi xung đột nổ ra.
Trong khi nền kinh tế Nga có vẻ vẫn phát triển ổn định thì IMF lại im lặng về triển vọng của nước này. Alfred Kammer, Giám đốc khu vực châu Âu của IMF, cho biết trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 10/2023 rằng triển vọng dài hạn của Nga là "mờ mịt" vì các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất và tăng trưởng trong trung hạn.