Ngày 29/10, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vladimir Volodin cho biết, các biện pháp đối xứng sẽ được áp dụng đối với hành vi trộm cắp tài sản của Nga bị đóng băng ở châu Âu.
Theo ông Volodin, khi nền kinh tế châu Âu bắt đầu bước vào suy thoái sâu sắc, các chính trị gia cấp cao như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bắt đầu nói về việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để tiếp tục quân sự hóa Kiev.
Chính trị gia này cảnh báo: “Trong trường hợp này, tài sản thuộc về các quốc gia không thân thiện sẽ bị tịch thu lớn hơn nhiều so với số tiền của chúng tôi bị đóng băng ở châu Âu”.
Ông Volodin nêu rõ, trong vài năm qua, tình hình ở các nước châu Âu đã xấu đi: giá cả tăng cao và ngành công nghiệp đang suy thoái.
Trước đó, ngày 24/8, Nhà Trắng thông báo tài sản của Nga tại Mỹ, Pháp, Đức, Italy và Anh sẽ bị giữ lại cho đến khi "thiệt hại" đối với Ukraine được bồi thường.
Ngày 25/8, Chủ tịch Ủy ban Chính sách kinh tế Hạ viện Nga Artem Kiryanov, nói với hãng tin Izvestia rằng, điều kiện của Nhà Trắng để dỡ phong tỏa tài sản của Nga là không thực tế và Washington hiểu điều này.
Ngày 22/8, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, Chính phủ Nga cùng với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, trên cơ sở các biện pháp được Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ trước đó, đã chuẩn bị dự thảo nghị định về việc bắt đầu trao đổi tài sản bị đóng băng của người Nga.
Ngày 25/4, ông Putin ký sắc lệnh về các biện pháp trả đũa trong trường hợp tài sản của Nga bị tịch thu ở nước ngoài.
Các nước phương Tây bắt đầu tịch thu tài sản của Nga sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022.
Theo IZ